Dân kéo đến lấp cống xả thải của Sonadezi - Dân Làm Báo

Dân kéo đến lấp cống xả thải của Sonadezi

TTO - Sáng 27-4, 13 người dân khu vực rạch Bà Chèo, xã Tam An, huyện Long Thành (Đồng Nai) đã kéo đến cống xả thải của nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Long Thành thuộc Công ty Sonadezi Long Thành để lấp cống.

Người dân cho hay cống xả của nhà máy đã nhiều năm làm dân chịu cảnh ô nhiễm, bị thiệt hại nặng nề nhưng từ khi bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) bắt quả tang đến nay, công ty vẫn chưa bồi thường cho dân.

Trước đó vào tháng 2, dân đã từng kéo đến UBND xã Tam An yêu cầu Sonadezi bồi thường thiệt hại.

Khi đó người dân cũng ra điều kiện trong vòng một tháng nếu không được giải quyết thỏa đáng thì dân sẽ lấp cống xả nước của Nhà máy Sonadezi Long Thành. Đến nay vẫn chưa được nghe trả lời từ phía Sonadezi Long Thành nên họ kéo đến lấp miệng cống.

Người dân cho đất đá vào bao để lấp cống xả thải của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành - Ảnh: H.M.

Trước bức xúc người dân, ông Võ Văn Luật - bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã Tam An - giải thích xã cũng nóng lòng giải quyết cho người dân nhưng phải chờ tỉnh kết luận, xác định mức độ thiệt hại do Sonadezi gây ra.

Người dân kéo đến miệng cống xả thải của Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành - Ảnh: H.M.

Ông Luật nói ngày 3-5, đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri, lúc đó người dân cứ bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình để đoàn đại biểu đôn đốc UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra hướng giải quyết thỏa đáng trước các thiệt hại của dân.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Tam An, sau khi Sonadezi Long Thành bị bắt quả tang xả thải, đã có trên 260 đơn của người dân đòi Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi và thiệt hại ngành nghề như chèo ghe bắt tôm, đánh cá… với số tiền hơn 16 tỉ đồng.

Trao đổi với TTO về việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân bị thiệt hại do ô nhiễm ra sao, ông Trần Văn Quang - phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai - cho biết sau khi Viện Môi trường - tài nguyên đưa ra kết quả xác minh ô nhiễm ở rạch Bà Chèo, đã có nhiều ý kiến yêu cầu xác định tỉ lệ ô nhiễm và cây trồng, vật nuôi của dân bị thiệt hại ra sao để giải quyết cho dân.

Tuy nhiên sau cuộc họp với các cơ quan chức năng đến nay đã hơn một tháng hội cũng chưa biết UBND tỉnh kết luận ra sao nên chưa có cơ sở để trả lời cho dân.

H.M



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo