Trọng Tấn-Anh Thơ - Dân Làm Báo

Trọng Tấn-Anh Thơ

cavenui - Vụ 2 ca sĩ nhạc đỏ Trọng Tấn-Anh Thơ có thể bị cấm biểu diễn vì bỏ dở cuộc biểu diễn phục vụ ở Lào để biểu diễn phục vụ 1 cuộc khác với công an Ninh Bình theo cam kết từ trước đang được bàn luận ở một số nơi.

Cái đòn hơi tí thì cấm, em không thích, đương nhiên.

Những bình luận lên án 2 ca sĩ mang mùi hồng vệ binh, em không thích, đương nhiên.

Nhưng một số lời bênh vực 2 ca sĩ này mà em đọc được trên mạng, em cũng không thấy thích nốt.

Vì những lời đó chỉ có tình chứ ít bàn đến lý.

Ví dụ phân tích của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo:

“Trước hết, đó là một việc làm sai của 2 ca sĩ Anh Thơ và Trọng Tấn. Nhưng cũng thấy rõ một sự luộm thuộm, không dứt khoát khi sắp xếp lịch diễn cho 2 ca sĩ này. Đáng lẽ lịch phải được quyết định dứt khoát trước chuyến đi theo sự điều động (?) của Bộ VHTTDL, chứ không nên “vừa đi vừa thương lượng” như đã xảy ra.

Thứ 2 là sau khi sự cố xảy ra, việc Bộ quyết định “tạm cấm Anh Thơ và Trọng Tấn biểu diễn” là quá căng thẳng, như một tin giật gân, quá mức của sự việc. Có lẽ cũng chỉ vì một chữ “CẤM” mà thôi vì nếu thay chữ “TẠM CẤM” bằng chữ “TẠM DỪNG” thì có thể sẽ nhẹ nhàng và hợp lý hơn chăng?

Theo tôi, ca sĩ Anh Thơ và Trọng Tấn là hai ca sĩ hát nhạc đỏ và nhạc trữ tình hàng đầu Việt Nam hiện nay. Đó là dòng nhạc nghiêm túc, dòng nhạc mà không phải ca sĩ trẻ nào cũng lựa chọn, dòng nhạc cần khuyến khích phát triển. Hai ca sĩ này cũng đều là những giảng viên của Viện Âm nhạc quốc gia, chiếm được sự cảm tình và quý mến của nhiều lớp học trò. Họ cũng là những ca sĩ sẵn sàng hát cho những chương trình lớn mang tính chính trị từ Trung ương đến địa phương. Nói chung, trước sự cố này, chưa xảy ra những gì đáng tiếc”.


Hay của 1 bạn đọc Dân Trí:

“Tôi không biết mọi người chỉ trích TT, AT có đặt mình vào tình huống đó không, liệu khi đó là những việc họ làm thì có như thế không? Ở đây tôi muốn biết trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL là như thế nào khi 2 nghệ sỹ được cử đi là việc bất ngờ, trong khi họ đã có hợp đồng không phải là show diễn thường mà là lễ kỷ niệm 50 ngành CA Ninh Bình. Xét về thể diện quốc gia thì không thể bằng, nhưng ở một khía cạnh khác cũng là chương trình quy mô không thể nói bỏ là bỏ, liệu khi bỏ show diễn này thì ai sẽ bảo vệ TT và AT. Tại sao Bộ VH-TT&DL không lo sắp xếp với phía Ninh Bình để nghệ sỹ toàn tâm toàn ý cho việc biểu diễn, mà lại đẩy họ vào sự tự quyết định giữa 2 lựa chọn đều có thể gặp rắc rối nếu bỏ qua 1 bên nào. Đó phải chăng cũng là sự tắc trách nói chung vẫn còn thấy rõ ở nhiều cơ quan bộ ngành của VN, mà cụ thể ở đây là Bộ VH-TT&DL. Hình như cứ được việc của họ, còn nghệ sỹ lo sắp xếp thế nào là việc của nghệ sĩ?” – Tran Duc Vinh: vkiemtra@yahoo.com


Em thấy những lời này thiên về tình hơn về lý, vì nhấn vào các yếu tố:

-Trọng Tấn, Anh Thơ là những ca sĩ tốt có nhiều đóng góp, rất đáng quý

-Chương trình kỷ niệm của công an Ninh Bình cũng là chương trình quy mô không thể nói bỏ là bỏ

Vậy em thử thay đổi tình huống:

-2 ca sĩ được cử đi Lào không phải là Trọng Tấn và Anh Thơ, mà là 2 “ca sĩ thị trường”, Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà chẳng hạn.

- Họ bỏ cuộc phục vụ ở Lào không phải để về phục vụ 1 chương trình kỷ niệm quy mô nào khác, mà đơn giản là hát cho 1 bầu show tư nhân, theo thỏa thuận đã có từ trước, với cát sê cao hơn nhiều so với hát phục vụ ở Lào.

Thì sao? Họ có lỗi (sai) không? Có thể cấm họ biểu diễn được không?

Nếu họ biết trước lịch diễn ở Lào đụng show với lịch biểu diễn theo hợp đồng với bầu show tư nhân mà họ vẫn cứ sang Lào rồi nửa chừng bỏ về thì đương nhiên là họ có lỗi. Nhưng nếu như ông Nguyễn Trọng Tạo nói đúng, người ta tổ chức biểu diễn ở Lào theo kiểu “vừa đi vừa thương lượng” thì họ không hề có lỗi, họ không hề sai (chứ không phải “trước hết, đó là 1 việc làm sai của 2 ca sĩ” như ông Tạo viết).

Hát cho bầu show tư nhân hay hát cho công an Ninh Bình, không khác nhau gì hết khi bàn đến lý. Cát sê cao hay cát sê thấp mang tính phục vụ không có ý nghĩa gì hết khi bàn đến lý.

Cái lý ở đây là hợp đồng với bầu show tư nhân tôi đã ký, cam kết với bầu show tư nhân tôi đã hứa, tôi phải thực hiện (Tôi mà không thực hiện thì anh bầu show tư nhân có đủ quyền kiện tôi đòi bồi thường, cũng như khán giả của anh ta kiện đòi anh ta trả lại tiền vé vì ca sĩ không giống như quảng cáo).

Cái lý ở đây là tôi không cam kết, không ký hợp đồng với các anh về việc phải hát ở Lào vào ngày hôm sau, thì tôi không có nghĩa vụ phải ở lại Lào.

Chấm hết.

Về lý, không có sự nặng nhẹ gì hơn nhau giữa 1 ông nhà nước Lào, ông công an Ninh Bình hay ông bầu show tư nhân hết cả.

Cũng như 1 cô gái điếm được đại gia boa cho vé máy bay hạng thương gia đi du lịch ngoại quốc thì chỗ ngồi của cô cô ngồi, cô không có nghĩa vụ phải nhường ghế đó cho ai hết, dù cô chỉ là 1 cô điếm hư hỏng còn người đòi ghế cô có là ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Tấn Dũng, ông Ngô Bảo Châu, ông Đặng Thái Sơn hay bất cứ ông bà công trạng đầy mình nào.

Trở lại với đúng Trọng Tấn và Anh Thơ. Có ý kiến nói rằng họ là người của Học viện Âm nhạc, do Học viện trả lương thì phải chấp hành vô điều kiện quyết định của Học viện. Không rõ trong hợp đồng lao động quy định thế nào, người lao động có bị người thuê lao động quản lý 24/24 không (chứ chỗ của Cavenui, 8 giờ vàng ngọc thì anh chị em công nhân phải tuân thủ quy định của công ty, lúc về nhà họ làm gì là việc của họ, công ty không có quyền can thiệp), nhưng giả sử có 1 điều khoản như vậy thì Học viện chỉ có thể đuổi việc họ chứ không có quyền cấm họ hành nghề, cấm họ làm thuê cho những người thuê lao động khác.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo