Biết người biết ta (Phần 3): "Các yếu tố trong cuộc đấu tranh - Kết luận" - Dân Làm Báo

Biết người biết ta (Phần 3): "Các yếu tố trong cuộc đấu tranh - Kết luận"



4) Phương thức thi hành: Phe CS mạnh hơn phe DC trong ngắn hạn, nhưng sẽ yếu hơn rất nhiều trong dài hạn. 

Những phương thức thi hành của phe CS gồm có: tẩy não, lừa đảo, dùng bạo lực, thủ đoạn hạ cấp và đê tiện, đạo đức giả, và mị dân. Trong cuộc chiến Việt Nam, phe CS đã dùng những phương thức dã man, tàn bạo, khủng bố dân miền Nam, lừa đảo các nhà trí thức, chia rẽ dân quân cán chính miền Nam, lừa đảo dân miền Bắc với những lời kêu gọi ái quốc và tình yêu thương dân tộc (Xem, thí dụ như, Cao-Đắc 2014a, 379-380; Harrington 1982, 192, 264; Trần 2013a). Sau chiến tranh, tiếp tục dùng những kỹ thuật tẩy não và lừa đảo, phe CS đã thành công không ít trong việc đưa vào đầu óc dân, nhất là thế hệ trẻ, những vinh quang giả tạo của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, và các lãnh tụ cộng sản khác, để tạo niềm tin vào ĐCSVN (Xem, thí dụ như, Trần 2013b). Những sự lừa đảo, vinh quang giả tạo này đã được phanh phui và phổ biến rộng rãi (Xem, thí dụ như, Bút 2013; Cao-Đắc 2014b; Đặng 2012; Đặng 2013a-2013b; Huỳnh 2014; Phùng 2010). 

Họ còn tiếp tục lừa đảo nhiều học giả ngoại quốc bằng cách tung ra những tài liệu lịch sử bịa đặt, phóng đại, giấu giếm và sai lầm. Họ sử dụng (employ) những học giả nô lệ trong nước để vẽ ra những hình ảnh thánh thiện của Hồ Chí Minh và tô điểm những thành quả của ĐCSVN. Song song với những xảo thuật này, phe CS còn áp bức phe DC và dân chúng với bạo lực và giam cầm những người bất đồng chính kiến, và bất cứ ai đấu tranh cho nhân quyền, tự do, dân chủ. Giới cầm quyền thì đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo, và luôn luôn dùng xảo ngữ mị dân. Họ dùng cảnh sát công an, nhân viên dân sự, và các công an trá hình để hăm dọa, hành hung, cưỡng bức những người hoạt động dân chủ hoặc dân lành. Những phương thức này, tuy có hiệu quả trong một khoảng thời gian, không thể thành công trong lâu dài vì người dân càng ngày càng biết rõ hiện tình đất nước và những lừa dối nhờ những phương tiện truyền thông trên mạng và qua các tổ chức xã hội dân sự. Hơn nữa, bạo lực chỉ có kết quả tới một mức nào đó. Khi bị áp bức quá đáng, dân và phe DC trong nước sẽ bùng nổ và vùng lên. 

Đa số trong phe DC không dùng những thủ đoạn đê tiện và ác độc của phe CS, vì đó là những gì đi ngược lại với chính nghĩa. Những thành viên của phe DC có khuynh hướng thụ động, thường thủ nhiều hơn công. Phe DC trong nước, vì không có quyền lực vật chất, phải chấp nhận dùng bất bạo lực để chống đối. Thiểu số không thể nào đương đầu được hàng ngũ hung hậu của lực lượng an ninh vì mọi cuộc biểu tình ôn hòa đều bị dẹp tan dễ dàng. Những người trong phe DC trong nước, cho dù là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, thường bị phe CS sách nhiễu, theo dõi, vu khống, quản thúc trái phép, phục kích, hoặc bị đánh đập, nhấ̉t là khi họ đi ra ngoài lẻ loi. 

Quan trọng nhất, vì họ phục vụ chính nghĩa và dân chủ, phe DC, trong nước và hải ngoại, chống lại lừa đảo, mị dân bằng những lý luận và phản biện hùng hồn, có sức thuyết phục, và dùng những tài liệu chính đáng để vạch ra những sự giấu giếm, lừa đảo, gian manh của phe CS. Ngược lại, "[l]uận lý yếu kém, không nhất quán và xa lánh dân là những đặc điểm thông thường của chế độ độc tài" (Aung San 2010, 175). Trong ngắn hạn, phe DC có thể bị phe CS coi là những "kẻ phản động," phá đám, bị mua chuộc bởi các thế lực thù địch, vạch áo cho người xem lưng. Nhưng với thời gian, khi các sự thật dần dần được phanh phui, những phương thức của phe DC dần dần sẽ thành công. 

Hiện nay, phe DC vẫn chưa đồng nhất về các phương thức thi hành. Có nhiều tranh cãi về các cách hay nhất để đối phó với phe CS, những giải pháp cho tình trạng bây giờ tại Việt Nam, và vấn đề Tàu cộng (Xem, thí dụ như, Bảo 2014; Nguoiduatin 2014a, 2014b; Nguyễn 2014; Nguyễn 2012; Trần Trung Đạo 2014). Những tranh cãi này rất quan trọng trong việc tạo ra những tương tác hạp hẹp tự nhiên. Không cần biết ai đúng ai sai miễn là có tương tác hạn hẹp. Những tranh cãi này sẽ đóng góp trong việc hình thành một sự nổi lên bất ngờ với một sức mạnh mà hiện nay không ai trong phe DC và CS có thể tiên đoán hoặc tưởng tượng được. Điểm quan trọng là càng có nhiều người tham gia, dù ở phe DC hay phe CS, các tương tác hạn hẹp càng lan rộng. 

Phe DC cần phải đóng vai trò chủ động hơn trong cuộc đấu tranh, và truyền bá lý tưởng và mục tiêu đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền, tới mọi tầng lớp dân Việt Nam, nhất là giới trẻ. Phe DC không cần phải chờ có một biến cố rồi mới đối phó với biến cố đó. Cuộc chiến chống phe CS phải liên tục với cường độ càng lúc càng mạnh trên mọi lãnh vực: ý thức hệ, chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội. Cuộc chiến giữa phe DC và phe CS không phải là cuộc chiến giữa kẻ mạnh (phe CS) và kẻ yếu (phe DC), mà là cuộc chiến của chính nghĩa (phe DC) để trừng phạt kẻ phi nghĩa (phe CS). Phe DC nên đề phòng những thủ đoạn chia rẽ, gài người, phá phách, bôi nhọ của phe CS, nhưng không vì thế mà làm suy giảm sức mạnh của cái lý tưởng chung. 

Theo mô hình hệ thống thích ứng phức tạp áp dụng vào cuộc chiến giữa hai phe CS và DC đề nghị ở trên, cần phải có hai yếu tố quan trọng: (1) chung một lý tưởng và mục tiêu, và (2) có những tương tác hạn hẹp tự nhiên. Để có thể thành công hữu hiệu, hai yếu tố này phải được tích cực phát huy và duy trì. 

Phe DC phải tích cực truyền bá lý tưởng và mục tiêu họ cho mọi người dân: 

Về yếu tố chung một lý tưởng và mục tiêu, phe DC phải dồn nỗ lực vào việc truyền bá cái lý tưởng về tự do, dân chủ, và nhân quyền cho mọi tầng lớp dân chúng. Có nhiều ý kiến cho rằng truyền bá lý thuyết dân chủ là vô ích, thiếu thực tế, vì đa số dân Việt Nam không hiểu hoặc không cần đến lý thuyết này. Theo tôi nghĩ, sự quan sát này không chính xác. Hiện nay, đa số dân Việt Nam có lẽ cần tiền hơn hết, nhưng họ cũng không cần tiền một cách khẩn cấp. So với các thế hệ trước, dân Việt Nam hiện tại biết lo cho tương lai hơn. Họ lo cho con cái, cho con ăn học tử tế, hoặc chuẩn bị cho con cái có công ăn việc làm. Giới trẻ cũng vậy. Họ biết nghĩ đến tương lai hơn giới trẻ năm 1945. Số người có học cũng nhiều hơn. Có thể một số vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự tẩy não và nhồi sọ của phe CS, nhưng họ vẫn có thể bỏ qua được. Các hoạt động về đầu tư tài chánh trên thị trường chứng khoán, kinh doanh, bất động sản, bảo hiểm nhân mạng, và các lãnh vực tài chánh khác, tuy vẫn còn nhỏ bé, phản ảnh được cái khuynh hướng lo cho tương lai này. Chính sự lo nghĩ cho tương lai mà dân Việt Nam quan tâm đến kinh tế và chính trị ngày càng nhiều. Nhắm đúng vào cái quan tâm này, là đánh đúng vào sức mạnh của dân. Do đó truyền bá lý tưởng và mục tiêu về tự do, dân chủ, và nhân quyền không phải là vô ích vì những cái này ảnh hưởng to tát đến vấn đề kinh tế cá nhân của dân. 

Tự do, dân chủ, và nhân quyền liên quan trực tiếp với kinh tế: 

Thể chế chính trị có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống con người, văn hóa, và văn minh (Chu 2014). Một thể chế tự do, dân chủ giúp người dân tiến bộ, nâng cao văn hóa, và hòa hợp tốt đẹp với cộng đồng thế giới. Đặc biệt, sự liên hệ giữa tự do, dân chủ, nhân quyền và kinh tế đã được thiết lập rõ rệt. Có những bằng cớ cụ thể cho thấy các chính sách đẩy mạnh gia tăng lợi tức cá nhân cũng đẩy mạnh nhân quyền (Sykes 2003, 8). Ngược lại, có những nghiên cứu và lý thuyế̉t cho thấy tự do là động cơ thúc đẩy kinh tế bền vững và cho mọi người gia tăng có được thịnh vượng ở khắp mọi nơi (Kim 2007). Vì vậy phe DC cần phải truyền bá cái liên hệ giữa tự do, dân chủ, nhân quyền và kinh tế cho mọi người. 

Cái liên hệ trực tiếp này vẫn chưa được toàn dân hiểu rõ. Nhiều người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ và các thành phần sinh viên học sinh, vẫn còn thờ ơ với cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền. Đối với họ, các biểu tình hoặc cuộc tranh đấu chỉ được thúc đẩy bởi lý do chính trị thuần túy. Họ không màng đến sự bắt bớ giam cầm những người hoạt động dân chủ. Sau 70 năm đô hộ dân Việt, phe CS đã thành công trong việc biến đổi một số không it dân thành những người ích kỷ, chỉ biết đến cuộc sống vật chất của mình. Họ chưa ý thức được rằng nếu không có tự do, dân chủ, và nhân quyền cho mọi người, thì họ cũng sẽ không có quyền lợi vật chất. Ngoài ra, cho dù họ có được chút yên ổn vật chất hiện tại, không có gì bảo đảm là con cháu họ cũng sẽ có được cùng phẩm chất sống dưới sự lèo lái của phe CS. 

Do đó, phe DC phải cụ thể hóa những khái niệm này. Thí dụ như phe DC phải vạch ra rằng các cường quốc kinh tế trên thế giới sẽ ngần ngại đầu tư vào Việt Nam nếu Việt Nam không tôn trọng tự do, dân chủ, và nhân quyền cho dân Việt Nam. Chẳng phải vì các cường quốc này thương yêu gì dân Việt Nam, nhưng họ không muốn những quyền lợi của họ bị đe dọa khi phe nắm quyền không tôn trọng chính dân của họ. Với một hệ thống luật pháp bù nhìn của phe CS, làm sao mà người ngoại quốc tin rằng họ có thể được bảo vệ trong những tranh chấp với chính phủ hoặc tư nhân Việt Nam? Một thí dụ nữa là khi tự do dân chủ được thiết lập tại Việt Nam, kỹ nghệ du lịch sẽ gia tăng mạnh mẽ. Người Việt hải ngoại (NVHN) trên thế giới sẽ thăm viếng Việt Nam thường hơn và sẽ tiêu xài rộng rãi hơn. Họ cũng sẽ gia tăng gởi tiền về cho thân nhân và bạn bè, và giúp đỡ những người nghèo đói bệnh tật và nạn nhân thiên tai. Ngoài ra, thể chế tự do dân chủ sẽ khuyến khích NVHN trở về Việt Nam dài hạn như hưu trí, đầu tư thương mại, địa ốc, thị trường chứng khoán. Với bốn triệu dân số và mức sống cao, NVHN sẽ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam một khi chế độ cộng sản độc tài xụp đổ và thay vào đó là thể chế tự do dân chủ. 

Ngoài ra, giới trẻ phải chứng tỏ cho thế giới biết là họ có tinh thần năng động, có lối suy nghĩ độc lập, và không ngu muội tuân theo chính phủ một cách mù quáng. Giới trẻ Việt Nam cần phải biết là các kỹ nghệ Tây phương rất ưa chuộng tinh thần độc lập, cách suy nghĩ ra khỏi khuôn khổ hạn hẹp của chính quyền, và tham vọng cầu tiến nghề nghiệp. Cái tinh thần đó được biểu lộ qua sự phát biểu ý kiến nguyên thủy, biết đứng lên đấu tranh cho công bằng và công lý, và không sợ bạo lực. Hãy để cho các siêu cường kinh tế tìm được phép lạ để giúp họ biến những ý tưởng cách mạng thành những sản phẩm có sức cạnh tranh. Giới trẻ tại Việt Nam là khối vĩ đại và có triển vọng nhất trên thế giới có thể tạo ra phép lạ bất ngờ đó. Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, từng nói (Yew 2013, 194), 

"Dân Việt Nam là một trong những dân tộc có khả năng và đầy năng lực nhất ở Đông Nam Á. Sinh viên họ, những người đến Singapore qua học bổng ASEAN coi trọng việc học và có điểm cao nhất. Với những người thông minh như vậy, thật là một điều đáng tiếc là họ không đạt được tiềm năng họ." 

Lý Quang Diệu đã thấy được tài năng của giới trẻ Việt Nam. Câu hỏi là giới trẻ Việt Nam có thấy được tài năng của chính họ hay không? 

Tự do, dân chủ, và nhân quyền là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế: 

Một điểm căn bản mà nhiều người dân Việt Nam chưa hiểu rõ là các vấn đề về tự do, dân chủ, và nhân quyền ở Việt Nam liên quan trực tiếp với cộng đồng quốc tế. Điểm này rất quan trọng vì Việt Nam đang tuyệt vọng cần sự giúp đỡ của các cường quốc tự do dân chủ trong mọi lãnh vực, từ chính trị, ngoại giao, quân sự đến kinh tế, xã hội. Sự kiện Tàu cộng xâm chiếm hải phận Việt Nam và đặt giàn khoan HD 981 lại càng nhấn mạnh mức độ quan trọng này. Hoa Kỳ hiện tại đang là một đồng minh mạnh mẽ nhất có thể giúp Việt Nam ra khỏi vũng lầy ngoại giao, quân sự, và kinh tế hiện tại. Tuy nhiên, để Hoa Kỳ và các quốc gia tự do dân chủ can thiệp, dân Việt phải cho thấy họ đang bị phe CS chà đạp các quyền căn bản của con người và cần giúp đỡ. 

Hoa Kỳ và các cường quốc tự do dân chủ không chú trọng đến các tệ trạng tại Việt Nam như vụ dân oan, tham nhũng, và các tệ trạng xã hội khác, vì họ cho rằng những chuyện đó là chuyện nội bộ của mỗi nước. Tuy nhiên, nếu có sự chà đạp nhân quyền, thì chắc chắn các quốc gia dân chủ khác sẽ can thiệp vì nhân quyền là vấn đề của cả thế giới, không phải chỉ là của một quốc gia nào. 

Phe DC phải giúp dân dẹp bỏ sợ hãi chính quyền: 

Về các tương tác hạn hẹp tự nhiên, khía cạnh "tự nhiên" cần phải được phát triển. Dưới tình trạng hiện tại, tính chất tự nhiên của các tương tác hạn hẹp đã không còn hoặc suy yếu đi rất nhiều. Đó là vì phe CS đã có dịp thao túng quá lâu nhờ những may mắn bất thường và những ảnh hưởng bên ngoài vượt quá mức giới hạn của hệ thống. Để khôi phục lại tính chất tự nhiên này, phe DC phải gỡ bỏ những hậu quả bất lợi mà phe CS đã đặt lên dân Việt. Một trong những hậu quả bất lợi là sự sợ hãi. Phe DC phải tìm cách diệt nỗi sợ hãi phe CS trong lòng người dân Việt Nam (Kim 2013; Vũ 2012d). Song song với việc truyền bá lý tưởng và mục tiêu chính nghĩa của mình, phe DC phải phát động một phong trào giáo dục dân và kêu gọi những người thờ ơ với cuộc đấu tranh, nhất là giới trẻ trí thức như sinh viên, hủy bỏ sự sợ hãi. Phe DC phải vạch ra cho giới trẻ thấy rằng chính phe CS sợ dân chứ không phải là dân sợ. 

Phe DC phải biết cách lôi kéo người của phe CS về phía mình: 

Chiến dịch truyền bá lý tưởng và mục tiêu không những nhắm vào dân (nhất là giới trẻ) mà cũng không kém phần quan trọng là nhắm vào phe CS, kể cả những người còn đang lưỡng lự đổi phe. Họ sẽ không lưỡng lự nếu họ biết chắc là phe DC sẽ thắng. Do đó, phe DC phải thuyết phục những nhóm đó trong phe CS là phe DC chắc chắn sẽ thắng để lôi kéo những người này về phe mình. Nhiều người theo phe CS không phải vì thần phục lý tưởng CS, mà vì họ muốn được yên thân và họ nghĩ rằng phe CS còn hùng mạnh, và sẽ duy trì như vậy, ít nhất là trong đời họ. Còn có những người sợ bị trả thù nếu phe DC thắng nên họ cố gắng giúp phe CS được ngày nào hay ngày ấy. Thực ra, chính giới lãnh đạo phe CS cũng có thể dùng chiến thuật này để giữ người. Họ có thể tuyên truyền hoặc ngầm ra ý rằng nếu phe DC thắng thì phe DC sẽ củng cố chính quyền và tuyển chọn người có tài thực sự. Do đó, những thành phần trí thức học giả rởm, các viên chức bất tài, các công an mật vụ hèn nhát sẽ hoảng lên, và lại càng trung thành với phe CS hơn để bảo vệ việc làm hoặc địa vị của mình. 

Phe DC cần phải hiểu cái tâm lý đó để hoạt động hữu hiệu hơn. Lẽ dĩ nhiên phe DC không thể lửa gạt và hứa hẹn hão huyền, mà phải nói sự thật với các thành phần phe CS. Nhưng sự thật không đến nỗi bi đát như những người trong phe CS nghĩ. Đúng, ông không thể xưng là có bằng Tiến sĩ khi bằng cấp đó được mua. Thực vậy, ông không thể ăn hối lộ trong lúc thi hành công việc. Tuy nhiên, ông không cần phải có bằng Tiến sĩ (như phe CS khuyến khích gián tiếp) đề làm xã trưởng hoặc dân biểu. Ông không cần phải ăn hối lộ khi lương bổng ông cao nếu ông làm việc đàng hoàng, có tư cách và phục vụ dân một cách chính đáng. Thể chế DC công bằng, đối xử mọi người như nhau, và trả lương cho việc ông làm, chứ không phải cho cái mà ông xưng là đã làm. 

Dùng bạo lực chống bạo lực? 

Một trong những tranh cãi sôi nổi hiện nay giữa các nhóm trong phe DC là dùng bất bạo động hay bạo động (Trần Duy Sơn 2014; Vũ 2014). Một thiểu số trong phe DC chủ trương "dĩ độc trị độc," nghĩa là dùng lại chính những thủ thuật của phe CS để tấn công. Một số người trong phe DC coi đó là một chiến lược sai lầm vì chính nghĩa phải được thúc đẩy bằng những phương thức chính đáng. Dùng những thủ thuật phi nghĩa không thể nào đạt được lý tưởng và mục tiêu chính nghĩa, và lại còn làm suy giảm sức mạnh của cái chính nghĩa đó. Tuy nhiên, cũng khó mà phán xét được tính chất chính nghĩa hay đạo đức của một phương thức thi hành. Đã có nhiều lý thuyết hay triết lý cho đề tài này. 

Trên thực tế, thiểu số này của phe DC chẳng cần gì đến các lý thuyết triết lý đạo đức. Đối với họ, phe CS đã hết thuốc chữa, và phải dùng bạo lực để chống lại bạo lực. Họ đã chịu đựng quá lâu rồi, và họ chán ngấy những thất bại của phe bất bạo động. Tuy nhiên, khi hô hào lấy bạo lực chống lại bạo lực, nhóm bạo động của phe DC có thể phạm một lỗi lầm căn bản: họ mặc nhiên công nhận cái hợp thức của định chế phe CS, và tự đặt mức độ hợp pháp của phe CS ngang với mức độ hợp pháp của họ. Như đã phân tích ở phần đầu, ṭính chất cuộc đấu tranh của phe DC là toàn dân ̣ nổi dậy để chống lại kẻ cướp chính quyền, và đòi lại những gì đã bị phe CS cướp mất. Do đó, phe CS không thể đứng ngang hàng với phe DC trên phương diện hợp pháp. Khi một kẻ cướp xông vào nhà bạn, giết anh chị em cha mẹ bạn hoặc xúi giục anh chị em bạn chém giết lẫn nhau, và lấy của cải trong nhà bạn, bạn không gọi sự chống trả của bạn với kẻ cướp đó là "lấy bạo lực chống lại bạo lực." Bạn sẽ gọi hành động chống trả của bạn là "trả thù" hoặc "trừng phạt kẻ tội phạm." Nếu phe CS là những kẻ tội phạm, như lịch sử đã chứng minh, thì lời hô hào của nhóm này không phải là "dùng bạo lực để chống bạo lực," mà phải là "dùng kỷ luật để trừng phạt kẻ tội phạm." Kỷ luật, tự nó, phục vụ chính nghĩa vì nó đem lại trật tự cho con người và xã hội. Trừng phạt, cho dù là trừng phạt vật chất, không phải là bạo lực, mà là phục vụ công lý. Vấn đề là có cần phải dùng sức mạnh vật chất để thi hành cái trừng phạt những kẻ tội phạm hay không? Ngoài ra, công lý phải được thi hành trong tinh thần dân chủ, không thể một chiều; nếu không, công lý sẽ dễ bị lạm dụng, như phe CS đã và đang làm. 

Với người miền Nam, tính chất cướp bóc của phe CS rất là rõ ràng và cụ thể, ngay cả với những người sinh sau năm 1975. Với người miền Bắc, nhất là những người sinh sau năm 1945, họ khó mà nhận ra cái tính chất cướp bóc này vì sự cướp bóc của phe CS xảy ra trong cảnh tranh tối tranh sáng, khi mà thế giới vừa mới hoàn hồn sau cuộc thế chiến kinh hoàng và dân Việt chưa thấy được ai là bạn ai là thù. Phe CS lại khôn ngoan chụp lấy cơ hội bằng vàng, và dùng những phương thức hiểm ác, lừa đảo để che đậy cái tính chất cướp bóc của họ. Vì vậy, nhiều người miền Bắc, tuy nhận ra sự xấu xa của phe CS, vẫn chưa ý thức được là sự xấu xa đó không phải chỉ mới có từ giới lãnh đạo hiện nay, mà là bắt nguồn từ tính chất cướp bóc của phe CS ngay từ lúc phe CS cướp quyền. Do đó, trong các cuộc tranh luận trong các nhóm trong phe DC, đề tài chính yếu không phải là dùng phương thức thi hành nào, mà là sự đồng ý về tính chất và các lý tưởng và mục tiêu của cuộc đấu tranh. Một khi vấn đề này được giải quyết, chuyện dùng chiến lược cá biệt nào không còn là quan trọng nữa. 

Mỗi người trong phe DC nên đóng góp theo khả năng của mình: 

Song song với việc truyền bá lý tưởng và mục tiêu, mỗi người trong phe DC cứ tiếp tục đóng góp vào cuộc đấu tranh dùng chính khả năng của mình. Đừng sợ là những hoạt động này lẻ tẻ, thiếu liên kết, và đôi khi mâu thuẫn nhau, thậm chí có thể đi đến thất bại. Thực ra, chính cái thiên hình vạn trạng của các hoạt động này mới là cái sức mạnh của phe DC. Lý do căn bản là tất cả các hành động này có một lý tưởng chung và chúng tương tác lẫn nhau một cách tự nhiên. 

Nếu bạn là người đã từng tham gia các cuộc chống đối và biểu tình, cứ tiếp tục làm các chuyện đó. Nếu bạn chủ trương bất bạo động, thì nên theo những nguyên tắc căn bản của chống đối bất bạo động. Một điểm tuyệt đối bạn không nên làm là mang theo những gì tượng trưng cho phe CS, nhất là lá cờ đỏ sao vàng. Không có gì dại dột hơn là bạn dùng cái tượng trưng cho phe CS là khẩu hiệu cho cuộc biểu tình chống phe CS. Không mang cờ đỏ sao vàng, không mặc áo cờ đỏ sao vàng. Không mang cái gì có màu đỏ ghê tởm. Lá cờ màu đỏ sao vàng không phải là quốc kỳ Việt Nam mà chỉ là cờ của ĐCSVN (Xem, thí dụ như, Dân 2012). 

Bạn nên ghi nhận cuộc biểu tình bằng hình ảnh, đoạn phim và truyền bá cho công chúng, liên lạc và thông báo tới các cơ quan báo chí, ngoại giao ngoại quốc. Bạn có thể biểu tình tại bất cứ nơi nào có đông người qua lại, hoặc nơi chính yếu như công viên, quảng trường, tòa đại sứ, chợ búa, trường học, cơ sở hành chánh hay thương mại. Bạn có thể đi bộ, đi xe. Cuộc biểu tình có thể lớn, nhỏ, trung bình, lưu động, hoặc cố định. 

Nếu bạn muốn tổ chức một cuộc chống đối bạo động hoặc biểu tình ôn hòa nhưng dùng bạo động để chống bạo lực vì tự vệ, thì nên chuẩn bị́ kỹ lưỡng, đừng để vạ lây đến những người muốn bất bạo động. Đừng để phe CS dùng đó để chia rẽ phe DC. Tuy nhiên, bạn cũng nên hiểu là biểu tình bạo động thường có ít hiệu quả, vì phe CS đông hơn và có trang bị vũ khí, xe cộ, khiên còng, và khiến bạn bị thất thế. 

Một điểm quan trọng là bạn không nên quá chú trọng vào những thành phố đông đúc cho cuộc biểu tình. Vì biểu tình là trỉnh bày nguyện vọng của toàn dân, nên biểu tình ở chỗ nào cũng đều thích hợp. Một bất lợi lớn ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn là phe CS có đội công an mật vụ hùng hậu. Ở các thành phố nhỏ hoặc vùng thôn quê, công an mật vụ ít hơn; do đó cuộc đàn áp sẽ không có tác hại lớn. Ngoài ra, khi một cuộc biểu tình rầm rộ thành công ở các thành phố nhỏ hoặc làng xã xa xôi được loan báo qua hình ảnh, đoạn phim trên các mạng xã hội, tinh thần dân sẽ lên cao và kích động dân ở các thành phố lớn, gây ra một hiệu ứng dây chuyền. Các cuộc biểu tình sẽ là một chuỗi hoạt động ganh đua nhau. 

Bạn có thể có những sáng kiến tổ chức biểu tình hoặc chống đối phe CS dùng những kỹ thuật hoặc phương pháp đã được áp dụng tại các quốc gia khác. Đặc biệt, vì tiếng nói của dân là dựa vào số đông, bạn có thể dùng những phương tiện truyền thông đại chúng như điện thoại di động, Facebook, và Twitter để kêu gọi hô hào mọi người. Một khái niệm đang thịnh hành là đám đông hỗn tạp tài tình (smart mobs). "Đám đông hỗn tạp tài tình gồm có những người có thể hành động hợp tác với nhau mặc dù họ không biết nhau" (Rheingold 2002, xii). Đám đông hỗn tạp tài tình của "Dân Lực II" (People Power II) ở Manila lật đổ Tổng thống Estrada năm 2001 tổ chức biểu tình bằng cách chuyển các tin nhắn qua điện thoại di động (Rheingold 2002, xvii). Dùng chiến thuật "tràn ngập," "mỗi người trong từng nhóm vẫn rời rạc cho tới khi truyền thông di động kéo họ hội tụ vào một vị trí rõ rệt từ mọi hướng cùng lúc, phối hợp với các nhóm khác" (Rheingold 2002, 162). 

Nếu bạn không muốn chống đối bất bạo động, mà muốn hoạt động bạo động, hoặc chính xác hơn, trừng phạt những kẻ tội phạm, thì bạn cứ tiếp tục, hoặc bắt đầu, những hoạt động đó. Không có ai có thể ngăn cản bạn được, nhưng bạn phải hiểu rõ những hậu quả của chuyện bạn làm. Bạn tuyệt đối không được có những hành động mà có thể bị coi là khủng bố, gây tác hại đến, hoặc làm mất, tài sản hoặc sinh mạng. 

Nếu bạn là một blogger, cứ tiếp tục viết blog trình bày quan điểm chống phe CS của mình. Bạn có thể viết bất cứ về đề tài nào, không nhất thiết phải là chính trị hay lịch sử, miễn là đề tài đó liên quan đến giá trị của tự do dân chủ và nhân quyền, và sự phi nghĩa, cướp bóc của phe CS. 

Nếu bạn là một còm sĩ, cứ tiếp tục viết các lời phê bình. Đừng nghĩ rằng chuyện viết lời phê bình là một hoạt động mất thì giờ. Bạn vẫn có thể đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp trong lúc viết lời phê bình. Bạn nên giữ tinh thần dân chủ trong việc tranh cãi trên các diễn đàn công cộng; tôn trọng ý kiến người khác, và nên nhớ là tính chất nặc danh trên thế giới ảo không cho phép bạn trở thành một người lỗ mãng, chửi thề tục tĩu. Bạn chống phe CS bằng cách làm những chuyện mà phe CS không dám làm, hoặc không có khả năng làm. Một trong những chuyện đó là giữ tự trọng và tôn trọng tinh thần dân chủ trong lúc tranh cãi. Khi những người trẻ đọc lời bình luận của bạn, họ sẽ thấy được tư cách bạn qua lối viết. Nếu bạn giữ tự trọng và tôn trọng tinh thần dân chủ, dù trong thế giới ảo, họ sẽ kính phục bạn, và nhận thức cái khác biệt giữa phe DC và phe CS. Bạn có thể chinh phục được một vài, cả chục, cả trăm, và có thể cả ngàn người, trong phe DC và CS, chỉ qua cách thức ăn nói trên mạng, mà bạn không biết. 

Nếu bạn là bậc phụ huynh, bạn có thể dạy con em bạn lịch sử, văn hóa chính đáng của dân Việt. Bạn nên dạy con em bạn giá trị của tự do dân chủ và nhân quyền và khuyến khích con em bạn biết đứng lên để đấu tranh cho những quyền này. Bạn đừng nên dùng sự an ninh hoặc tương lai của con em để hy sinh sự thật hoặc bào chữa cho hành động không tham gia của bạn (Havel 1990). Con em bạn sẽ không bao giờ oán hận bạn là đã dạy dỗ chúng lẽ phải, sự thật, và lòng can đảm. 

Nếu bạn bận rộn không có thì giờ biểu tình, hoạt động, viết blogs, viết bình luận, truyền bá lý tưởng, hội họp, thì it nhất bạn cũng nên đóng góp một phần nào đó. Nếu bạn có chút dư giả tài chánh, hoặc không dư giả nhưng muốn đóng góp, thì bạn có thể đóng góp tài chánh qua các tổ chức dân chủ không tư lợi, hiện có hoặc sẽ thành lập. 

Những người trong phe DC không nên nản lòng hoặc sốt ruột chờ đợi một biến cố quan trọng xảy ra. Họ cần phải hiểu họ đang hoạt động trong một guồng máy thật phức tạp. Họ có thể cô độc, nhưng không cô đơn. Những người đấu tranh qua thế giới ảo của Internet đừng nghĩ rằng họ là những chiến sĩ duy nhất của cuộc đấu tranh. Bất cứ trong giây phút nào, tại bất cứ nơi nào, cũng có những người như họ đang đấu tranh, và với một xác suất khá cao là những người này là chiến hữu của họ, đang đấu tranh lấy lại những gì mà phe CS đã cướp đi. 

5) Tinh thần đoàn kết: Về yếu tố này, cả hai phe đều có điểm mạnh và điểm yếu, với cường độ khác nhau. 

Phe CS, tuy có chia rẽ nội bộ, rất đoàn kết trong việc đàn áp phe DC. Sự đoàn kết này, tuy nhiên, chỉ có giá trị tạm thời vì nó không được dựa trên niềm tin nhiệt thành vào chế độ cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa, mà chỉ dựa vào sự bảo vệ quyền lợi cá nhân. Sự đoàn kết đó trước sau gì cũng sẽ tan rã. Adrian Rogers, mục sư Tin lành nổi tiếng tại Hoa Kỳ, từng nói, "Chẳng thà bị chia rẽ bởi sự thật còn hơn là đoàn kết trong sai lầm." Dùng quyền lợi cá nhân để kêu gọi đoàn kết chỉ có thành công tạm thời. Khi những quyền lợi cá nhân bị va chạm, hoặc phân chia không đều, sẽ có bất mãn, và sẽ có tố cáo. Những kẻ phục vụ phe CS vì quyền lợi cá nhân cũng sẽ sẵn sàng phản bội họ nếu những quyền lợi cá nhân này bị đe dọa. 

Những phe phân tán trong phe CS, tuy không ưa gì nhau, biết rõ là phe DC là kẻ thù to lớn hơn. Do đó, họ tạm thời gác bỏ khác biệt và hợp tác nhau trong việc đàn áp phe DC. Tuy nhiên, sự hợp tác này chỉ có giới hạn. Khi có những biến cố ngoại cuộc xảy ra có hại đến quyề̉n lợi của họ, thí dụ như vụ Tàu cộng đem giàn khoan HD 981 vào hải phận Việt Nam, mức độ chia rẽ của phe CS sẽ trở nên trầm trọng. Lúc bấy giờ, rất có thể sẽ có một cuộc chấn chỉnh nội bộ, và có thể tạo ra cơ hội cho phe DC tấn công mãnh liệt. 

Các nhóm trong phe DC có cùng một mục tiêu tối thượng là mang tự do dân chủ cho đất nước. Trên lý thuyết, mục tiêu tối thượng đó đem lại một sự đoàn kết vững chắc. Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu tối thượng đó thường bị lu mờ bởi những mục tiêu phụ thuộc tạo ra những chia rẽ trầm trọng trong phe DC. Ngoài ra, một thiểu số những người trong phe DC, tuy có học thức và có cơ hội tìm tòi học hỏi, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi chính sách tẩy não và những lừa đảo của phe CS, hoặc họ không muốn công nhận những lỗi lầm của mình trong quá khứ. Họ vẫn còn luyến tiếc quá khứ, nhất là duy trì lòng ái mộ những kẻ được phe CS vinh thánh như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Những người trong thiểu số này sẽ mất cơ hội nắm giữ vai trò chủ chốt trong phong trào dân chủ vì người ta sẽ nghi ngờ khả năng hiểu biết, tinh thần trách nhiệm, và lòng can đảm của họ khi họ có thể tìm tòi và học hỏi những sự thật đã được phơi bày và tự nhận những sai lầm quá khứ của mình. Chính những sự khác biệt này làm giảm sức mạnh của ý chí chung trong lý thuyết hệ thống thích ứng phức tạp trình bày ở trên, và kéo dài thời gian đấu tranh thành công. 

Phe DC phải tích cực đoàn kết chặt chẽ để phục vụ lý tưởng và mục tiêu tối cao. Phe DC phải nên nhớ rằng họ không thể đi ngược lại với cái lý tưởng và mục tiêu cao cả của mình. Đó là sự tôn trọng tự do và tinh thần dân chủ rất quan trọng để duy trì. Họ không nên để những tranh cãi về những mục tiêu phụ thuộc làm cản trở các hoạt động của họ. Khi nền dân chủ được thiết lập tại Việt Nam và tự do ngôn luận được tôn trọng thì tha hồ mà tranh luận về các mục tiêu khác. Trong giai đoạn đấu tranh, những khác biệt về ý tưởng vẫn có thể được nêu ra trong tinh thần dân chủ, nhưng không vì thế mà làm hại đến lý tưởng và mục tiêu tối cao. Phe DC cũng nên đề phòng phe CS đã và đang dùng những xảo thuật chia rẽ để tạo ra hoang mang, nghi ngờ, và đố kỵ trong hàng ngũ chống cộng. 

Tổng kết về những yếu tố: 

Trong năm yếu tố trên, yếu tố lý tưởng và mục tiêu đóng vai trò quan trọng nhất vì nó ảnh hưởng tất cả các yếu tố khác. Yếu tố này xác định ai là phe thắng cuộc. Các yếu tố khác xác định cuộc đấu tranh chấm dứt thế nào và khi nào thì nó chấm dứt. 

Dưới yếu tố lý tưởng và mục tiêu, phe DC chắc chắn sẽ thắng vì phe DC có được chính nghĩa trong tay và chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Lực của toàn dân là lực tối thượng, vì dân là chủ của lãnh thổ. Chính nghĩa phục vụ toàn dân, vì chính nghĩa đấu tranh cho những quyền lợi căn bản của con người và phù hợp với lối sống của dân. 

Một thực tế bảo đảm chiến thắng của phe DC. Đó là sự ổn định bao trùm (global stability). Cái ổn định bao trùm này thấm qua mọi thành phần trong hệ thống; nghĩa là tất cả mọi thành phần trong hệ thống đều được hưởng cái lý tưởng chung. Tự do, dân chủ, nhân quyền là những cái mà ai cũng muốn, kể cả phe CS. Tuy nhiên, như đã được vạch ra, phe CS chỉ muốn những quyền lợi đó thuộc về họ, và dân không có những quyền lợi đó. Do đó sự ổn định bao trùm không thể nào có từ phe CS vì như thế sẽ có một số lớn thành phần không có các quyền lợi này. Ngược lại, nếu phe DC thắng thì ai cũng có các quyền lợi, kể cả phe CS, và do đó hệ thống mới đạt được sự ổn định bao trùm. 

Các yếu tố khác sẽ giúp chiến thắng của phe DC tiến nhanh hơn. Lãnh đạo của phe CS sẽ tiêu tan nhanh chóng vì rạn nứt trong ĐCSVN. Vụ Tàu cộng gài các giàn khoan trên lãnh hải Việt Nam sẽ tạo ra chia rẽ nội bộ và các lãnh tụ phe CS càng lộ rõ bộ mặt thật là những kẻ hèn nhát với kẻ thù và hiểm ác với dân. Phe DC sẽ liên kết chặt chẽ hơn và sẽ tạo nên một làn sóng chống đối lan tràn khắp nước. Cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ phong trào dân chủ tại Việt Nam để tạo thăng bằng và ổn định tại Biển Đông. Phe CS sẽ mất quyền lực và sức mạnh yếu dần. Sức mạnh của phe DC càng ngày càng dữ dội và đoàn kết. Chẳng bao lâu, cảnh sát và công an của phe CS sẽ lộ ra yếu điểm của họ. Dân Việt sẽ nhớ lại sự trống rỗng của căn bản quyền lực của Pháp năm 1945 (Logevall 2012, 71) khi, trong hàng thập kỷ, hai mươi ba triệu dân Việt Nam bị kiểm soát bởi vỏn vẹn mười hai ngàn lính Pháp cộng thêm có lẽ ba hoặc bốn lần con số đó lính bản xứ (sđd., 72). Phe DC, với đầu óc thông minh độc đáo của dân Việt, sẽ chế ra càng nhiều cách chống lại phe CS. Dân càng dính líu với phong trào dân chủ vì họ ý thức được là quyền lợi của họ sẽ được phe DC phục vụ đầy đủ. 

Nói tóm lại, trong cuộc đấu tranh tại Việt Nam hiện nay, chắc chắn phe DC sẽ thắng vì: (1) lý tưởng và mục tiêu của họ có chính nghĩa và phù hợp với lối sống của dân; và (2) chỉ có phe DC mới đem lại một ổn định bao trùm. 

Trong chiến tranh Việt Nam, phe CS thường tự hào là đã thắng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là một chiến thắng có được nhờ may mắn (thí dụ như phong trào phản chiến ở Mỹ và vụ Watergate khiến Nixon từ chức) và trên một khía cạnh hạn hẹp của một cuộc chiến to lớn hơn. Khía cạnh hạn hẹp đó là khía cạnh quân sự. Cuộc chiến to lớn hơn chưa chấm dứt vì cuộc chiến đó có nhiều khía cạnh khác hơn quân sự, đó là khía cạnh ý thức hệ, chính trị, kinh tế, văn hóa, và xã hội. Nói rằng phe CS đã thắng vào năm 1975 cũng giống như nói rằng Tàu đã thắng Việt Nam hai ngàn năm trước đây và đã thống trị Việt Nam cả ngàn năm. Trên thực tế, lịch sử đã cho thấy Tàu không bao giờ thắng Việt Nam. Cho dù ngàn năm đô hộ, Tàu cũng vẫn không xóa được văn hóa và xã hội căn bản của Việt Nam, và sau cùng phải bị lật đổ vào năm 938. Một cách tương tự, phe CS đã đô hộ miền Bắc từ năm 1945 và miền Nam từ năm 1975 bằng một chủ nghĩa ngoại bang phi nghĩa. Sự đô hộ của phe CS còn tàn bạo hơn giặc Tàu vì phe CS là người Việt Nam mà lại đem chủ nghĩa ngoại bang phi nghĩa đô hộ chính dân của mình. Chính cái tàn bạo đó tạo nên một lực chống đối mãnh liệt. Nếu dân Việt Nam đã lật đổ được giặc Tàu sau ngàn năm đô hộ thì sá gì cái đô hộ 70 năm của phe CS? 

Do đó, câu hỏi không phải là: Phe nào sẽ thắng, mà Khi nào thì phe DC sẽ thắng? 

Kết luận 

Cuộc chiến giữa phe DC và phe CS sẽ chấm dứt với phần thắng về phe DC. Tuy nhiên, phe DC vẫn phải cố gắng nỗ lực đẩy mạnh lý tưởng và mục tiêu đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền để tránh phí phạm thì giờ và tài nguyên đất nước. Tuy phe DC trước sau gì cũng thắng, phe CS vẫn có thể kéo dài cuộc chiến với hy vọng là phe DC sẽ mệt mỏi và dần dần bỏ cuộc. Chuyện này khó xảy ra, vì phe DC sẽ không bao giờ mệt mỏi hoặc bỏ cuộc, vì chính nghĩa không biết mệt mỏi và không biết đầu hàng. Thực ra, phe DC ngày càng hùng mạnh và cương quyết hơn vì nhờ các phương tiện truyền thông và các tổ chức xã hội dân sự, càng ngày càng nhiều người hiểu rõ sự thật và những lừa đảo, bịp bợm, và ngu xuẩn của phe CS. Sự đàn áp phe DC bằng bạo lực của phe CS còn làm tăng tinh thần đoàn kết của phe DC hơn. Phe CS không thể nào thắng được với lý tưởng và mục tiêu hiện tại của họ. Họ lại càng thua nhanh hơn nếu họ tiếp tục dùng những phương thức tẩy não, lừa đảo, dùng bạo lực, thủ đoạn hạ cấp và đê tiện, đạo đức giả, và mị dân. Cách duy nhất để họ tránh bị tiêu diệt hoàn toàn là phe CS phải sửa đổi toàn diện, nhưng như vậy là họ không còn là cộng sản nữa. Lúc bấy giờ, có thể sẽ có một cuộc chiến khác giữa hai phe chính trị trong khuôn khổ của tự do dân chủ, như phe Cộng Hòa và Dân Chủ ở Hoa Kỳ. 

Với nhiều người Việt, Việt Nam là một xứ buồn thảm đầy những thảm kịch. Tuy nhiên, việc phe CS chiếm đóng miền Nam năm 1975 và sau đó thống trị toàn quốc cho thấy trong cái rủi có cái may. Cái may là để cho toàn thể người Việt, từ Bắc tới Nam, hiểu được cộng sản là gì. Nhờ vậy, họ biết thương yêu nhau hơn vì cùng là nạn nhân của chính quyền tàn bạo nên đồng bệnh tương liên trong tinh thần "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn." Sự thống trị của phe CS trong nhiều thập kỷ cũng khiến dân hiểu rõ bộ mặt thật của lũ quỷ đỏ. Ngoài ra, vì phe CS xâm chiếm miền Nam một cách hèn hạ và hiểm độc và đối xử dân miền Nam quá ư tàn bạo nên dân miền Nam có can đảm bỏ quê hương và tạo dựng được một khối người Việt hải ngoại to lớn hỗ trợ người dân trong nước đứng lên và tranh đấu cho tự do dân chủ.

Hết.

© 2014


Biết người biết ta (Phần 1): "Tính chất và một mô hình cuộc đấu tranh"
Biết người biết ta (Phần 2): "Các yếu tố trong cuộc đấu tranh"

Cao-Đắc Tuấn
danlambaovn.blogspot.com

___________________________________

Tài Liệu Tham Khảo:

- Aung San, Suu Kyi. 2010. Freedom From Fear. Penguin Books, New York, U.S.A. 

- Bảo Giang. 2014. Làm gì để cứu non sông? 12-7-2014. 

- Bút Sử. 2013. Võ Nguyên Giáp Tội Đồ Dân Tộc sau Hồ Chí Minh. 7-10-2013. 

- Chu Chi Nam. 2014. Tại sao chúng ta phải thay đổi thể chế chính trị trước khi chống giặc ngoại xâm? 8-6-2014. 

- Cao-Đắc Tuấn. 2014a. Lửa Cháy Trong Mưa, dịch từ Fire In The Rain, cùng tác giả, Hellgate Press, Oregon, U.S.A.

- Dân Nam. 2012. Những Mốc Lịch Sử Quan Trọng Khởi Từ Thập Niên 1940. 5-2012. http://www.trinhanmedia.com/2012/10/nhung-moc-lich-su-quan-trong-khoi-tu.html (truy cập 5-6-2014).

- Đặng Chí Hùng. 2012. Bản cáo trạng tội ác của đảng CSVN và ông Hồ Chí Minh (bài 1). 6-12-2012. 

- 2013a. Bản cáo trạng tội ác của đảng CSVN và ông Hồ Chí Minh (bài 2). 22-2-2013. 

- 2013b. Bản cáo trạng tội ác của đảng CSVN và Hồ Chí Minh (bài 3): Bán đứng Cụ Phan Bội Châu. 23-5-2013. 

- Harrington, Stuart A. 1982. Stalking the Vietcong – Inside Operation Phoenix: A Personal Account. Presidio Press, New York, U.S.A.

- Havel, Václav. 1990. The United Nations World Summit for Children (speech). 30-9-1990. 

- Also: Trần Quốc Việt (dịch). Đừng nhân danh trẻ em để làm điều ác. 4-6-2014. 

- Huỳnh Tâm. 2014. Hồ Chí Minh, một gián điệp hoàn hảo (Kỳ 1). 12-6-2014. 

- Kim, Anthony B. 2007. The Link between Economic Freedom and Human Rights. 28-9-2007. 

- Logevall, Fredrik. 2012. Embers of War. Random House, New York, U.S.A.

- Nguoiduatin. 2014a. Giải tán đảng cộng sản để thoát Trung cộng (Phần I). 10-6-2014. 

- 2014b. Giải tán đảng cộng sản để thoát Trung cộng (Phần II) - Cái giá phải trả cho sự mờ ám và dối trá của Hồ Chí Minh. 24-6-2014.

- Nguyễn Chính Kết. 2014. “Thoát Trung”, “thoát Cộng” và “thoát Sợ”, cái “thoát” nào là nền tảng? 13-7-2014. 

- Nguyễn, Mike. 2012. Phong trào Dân Chủ và con đường nào cho Việt Nam? 29-9-2012. 

- Phùng Ngọc Sa. 2010. Võ Nguyên Giáp : "Một Hung Thần Cộng Sản Việt Nam." 20-3-2010. 

- Rheingold, Howard. 2002. Smart Mobs – The Next Social Revolution. Perseus Books Group, Massachusetts, U.S.A.

- Sykes, Alan O. 2003. International Trade and Human Rights: An Economic Perspective. 16-6-2003. 

- Trần Duy Sơn. 2014. “Khuyến mãi” cho ĐCSVN? 1-6-2014. 

Trần Trung Đạo. 2013a. Bàn về tẩy não. 15-10-2013. http://www.trantrungdao.com/?p=2474 (truy cập 25-5-2014).

- 2013b. Tang lễ Võ Nguyên Giáp, một trường hợp nghiên cứu về tẩy não. 29-10-2013. 
http://www.trantrungdao.com/?p=2482 (truy cập 25-5-2014).

- 2014. Việt Nam Cộng Hòa, lối thoát của Hoàng Sa và dân tộc. 31-5-2014. 

- Vũ Đông Hà. 2014. Nếu bạn muốn bạo động..., 29-5-2014. 

- 012d. Cuộc cách mạng của Sợ Hãi (phần 4) - Kẻ gieo rắc sợ hãi cũng biết sợ hãi. 9-7-2012. 

- Yew, Lee Kuan. 2013. One Man’s View of the World. Straits Times Press, Singapore.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo