Trung Quốc đi về đâu? - Dân Làm Báo

Trung Quốc đi về đâu?


Lời nói đầu: Trung Hoa là một dân tộc kém may mắn. 

So với Ai Cập ở bắc châu Phi hay Hy Lạp ở đông nam Châu Âu vào thời đại cổ tuy văn hóa và văn minh Trung Hoa kém xa cả về thời điểm lẫn trình độ, nhưng ở vùng Đông Á và Đông Nam Á Trung Hoa đã phát triển sớm nhất.

Về văn hóa, đó là triết học của Khổng Tử, Lão Tử, Dương vương Minh...; về văn minh, đã chế tạo được giấy và thuốc súng trước cả phương Tây. Nhưng dân tộc này bị tư tưởng tồn cổ và tôn quân của Khổng, Mạnh chế ngự hơn hai ngàn năm nên biến thành một nước chậm tiến. Vừa khi thoát khỏi ách đô hộ của người Mãn Thanh và chế độ quân chủ phong kiến năm 1911 với cuộc cách mạng Tân Hợi thì lại rơi vào sự kiềm chế của chủ thuyết Cộng Sản gần một thế kỷ nay.

Dưới thời Mao, qua Bước Tiến Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa, số người bị giết và chết đói khoảng 57 triệu người. Nếu kể cả số người chết vì Cải Cách Ruộng Đất và thanh trừng, tù tội cũng như đói rét, đau ốm không thuốc men, con số phải trên một 100 triệu! 

Chỉ sau khi Trung Quốc đứng bên bờ vực thẳm suy sụp thì một lãnh tụ Cộng Sản khác, sắt máu không kém gì Mao (vụ đàn áp Thiên An Môn và bỏ tù đến chết 2 Tổng Bí Thư là Hồ diệu Bang và Triệu tử Dương) lên cầm quyền chặt bỏ phần kinh tế của Marx để theo chế độ kinh tế Tư Bản nhưng vẫn giữ nguyên phần còn lại của chủ nghĩa Cộng Sản về độc tài chuyên chế (hay độc tài chuyên chính theo lối nói của người Cộng Sản). 

Vì thế, sau khi phát triển được hơn 30 năm, nay kinh tế Trung Quốc bị xuống dốc và xã hội Trung Quốc rối bời: đạo đức suy vi, người bóc lột người nên giàu thì giàu quá, nghèo thì nghèo quá, dân chúng bất mãn, oán hận. Khổng và Mao khác nhau ở chỗ một đằng theo chủ nghĩa tôn quân, một đằng theo chủ nghĩa cộng sản nhưng giống nhau ở chỗ tạo ra các chế độ phong kiến: quân chủ phong kiến, cộng sản phong kiến. Mao, Đặng vượt Khổng, Mạnh vì Khổng Mạnh phải mất hàng ngàn năm mới tạo ra tầng lớp cường hào ác bá cướp bóc nhà cửa, ruộng đất của dân chúng trong khi Mao Đặng với chủ nghĩa Cộng Sản, chỉ mất vài chục năm! Không biết bao giờ dân tộc Trung Hoa mới thoát ách Cộng Sản để có đời sống tự do và phát triển, còn hiện nay thì đang gặp nhiều vấn đề nan giải.

I - Kinh Tế Trung Quốc: Một cơn mộng du?

Trước khi ông Tập cận Bình lên thay thế ông Hồ cẩm Đào nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu xuống dốc và xã hội đầy xáo trộn. Ôn Châu là thành phố phát triển nhanh nhất lúc kinh tế đang đà đi lên nhưng cũng là thành phố tiêu biểu lúc kinh tế bắt đầu xuống dốc: Vỡ nợ, thất nghiệp, dân tháo chạy, trong thành phố nhiều khu vực bỏ hoang! Người dân Ô Khảm tỉnh Quảng Đông nổi lên đòi nợ máu "Huyết trái huyết hoàn" và truất phế chính quyền Cộng Sản thay vào chính quyền do dân Ô Khảm bầu lên. Phong trào lan nhanh sang những làng xã lân cận làm Bắc Kinh phải xuống nước chỉ thị cho tỉnh Quảng Đông tìm cách ngăn chặn và hòa giải, xoa dịu dân chúng. Câu nói nổi tiếng mô tả Trung Quốc lúc bấy giờ của ông Chu minh Quốc, Bí Thư thành phố Lục Phong, tỉnh Quảng Đông: "Trung Quốc như một quả táo, vỏ ngoài còn tươi nhưng bên trong đã rũa nát".

Từ khi ông Tập cận Bình thay ông Hồ cẩm Đào đến bây giờ, qua 3 năm, một mặt phải tả xung hữu đột thanh toán phe Giang trạch Dân dưới hình thức diệt trừ tham nhũng để lấy lòng dân, một mặt lo đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế càng ngày càng trầm trọng.

Lúc cao điểm là khoảng từ 2002 – 2008 tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 10,8%. Khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 làm tăng trưởng năm 2009 rớt xuống 9,2%. Năm 2010 bùng lên được 10,3% mấy tháng đầu nhờ có 800 tỷ đô la đổ vào kích thích nhưng 3 tháng cuối năm (quý 4) tụt xuống 9,7% để từ từ suy giảm. Năm 2011 mức tăng trưởng lần lượt qua 4 kỳ 3 tháng (quý) là 9,7% - 9,6% - 9,4% - 9,2%, qua năm 2012 sự xuống dốc thật đáng quan ngại: 8,1% - 7,8% - 7,7% - 7,8%... Năm 2015 mức tăng trưởng chỉ còn 6,9%, 3 tháng đầu năm 2016 là 6,5%. Đó là những con số chính thức của nhà nước Trung Quốc công bố. Nhiều cơ quan và các nhà nghiên cứu cho rằng năm 2015 mức tăng trưởng của nước này chỉ từ 3,6 đến 4%, thậm chí có thể là 0% vì những con số thống kê của Trung Quốc “do con người làm ra và vì vậy không đáng tin cậy”, Lý khắc Cường khi còn là Bí Thư Tỉnh Ủy Liêu Ninh năm 2007 nói với đại sứ Mỹ. Tức là nó không phải sự thật, những con số tuyên truyền hay những số liệu “phục vụ cho các mục tiêu chính trị” theo tiến sĩ Tạ Điền. Thời Mao các đài phát thanh ngày nào cũng ra rả nông nghiệp vượt chỉ tiêu, tăng gia năng xuất 20%, 30%... mà dân chết đói như rạ, 37 triệu người thời Bước Tiến Nhảy Vọt. 

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 làm cho Trung Quốc bắt đầu suy sụp dù đã đổ ra gần 1.000 tỷ USD cứu vãn nhưng không có hiệu quả. Tờ Le Monde ra ngày 29-11-2011 cho rằng tháng 11/2011 là tháng Trung Quốc bị xáo trộn nhất, mở đầu tại Ôn Châu rồi lan ra các thành phố khác ở Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang... Các công ty vỡ nợ hàng loạt, chủ bỏ trốn hay tự tử, công nhân biểu tình đòi trả lương. Hai tỉnh Giang Tô và Chiết Giang ngành may mặc giảm 33%, plastic 50%, cao su 60%, các xưởng đóng giày ở Hải Ninh đóng cửa tới 60%, tỉnh Quảng Đông xuất cảng giảm 9%, nhà tại 30 thành phố xuống giá, riêng Bắc Kinh tháng 10-2011 có 120.000 căn nhà không bán được, 177 văn phòng địa ốc đóng cửa.

Theo tờ Kinh Tế Thế Kỷ Thứ 21, từ đầu năm đến tháng 10-2011, riêng tỉnh Chiết Giang có 228 ông chủ bỏ trốn biết tăm, 9 ông tự tử vì thua lỗ, có trường hợp tự tử cả nhà làm chính quyền tỉnh này phải giám sát chặt chẽ 5.000 công ty còn đang hoạt động. (RFI ngày 09-12-2011) 

Tập cận Bình hưởng cái di sản không có gì là tốt đẹp của Hồ cẩm Đào để lại. Kinh tế tiếp tục đi xuống, các địa phương, các xí nghiệp nợ nần chồng chất nhất là các xí nghiệp, các tập đoàn quốc doanh, cái đuôi Cộng Sản, mảnh đất màu mỡ ưu ái dành riêng cho con cái các công thần của chế độ. Những xí nghiệp này có quá nhiều ưu tiên về vay vốn Ngân Hàng, thị trường nhưng lại thường thua lỗ, tiền thuế của dân luôn phải bù đắp. Ngày 18-3-2014, Thủ Tướng Lý khắc Cường có cuộc họp báo sau khi kết thúc họp Quốc Hội kỳ 2, khóa 12 cảnh cáo sẽ có nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Tính chung cả nợ của nhà nước và nợ của tư nhân đã lên hơn 200% Tổng Lợi Tức Quốc Gia (GDP).

Theo công ty thẩm định Tài Chánh Standard and Poor’s, các doanh nghiệp Trung Quốc “đang ngồi trên một núi nợ 13.800 tỷ USD”, cao hơn cả khối nợ của Mỹ. Năm 2008 tổng số nợ dưới dạng trái phiếu của 945 tập đoàn tham gia sàn Chứng Khoán Trung Quốc lên tới 1.820 tỷ yuan # 300 tỷ USD, năm 2014 số nợ đó lên gấp hơn 2 lần: 4.700 tỷ yuan (783 tỷ USD).

Vì vậy (năm 2014) báo chí Trung Quốc do nhà nước kiểm soát thổi lên cơn sốt Chứng Khoán làm thị trường này tăng 150% trong khoảng 1 năm tương tự như cơn sốt chim cút ở Sài Gòn năm 1970 do người Hoa trong vùng Chợ Lớn chủ động tạo ra. Chiến dịch này có 2 điều lợi: 1, đánh lạc hướng tình hình bi quan về kinh tế; 2, các xí nghiệp, tập đoàn quốc doanh kiếm được khá nhiều tiền nên nhà nước đỡ phải bù lỗ. 

Có lẽ đây là một loại thuốc liều bắt buộc phải uống, vì ngân sách còn phải tăng cho Quốc Phòng do tình hình căng thẳng ở Biển Đông và Hoa Đông, nhất là cho ngành mật vụ công an để đề phòng bất ổn xã hội, lại thêm cả gánh nặng nuôi đoàn quân “Dư Luận Viên” đông đảo hơn 2 triệu mới thành lập trải từ thành thị tới nông thôn nhằm tuyên truyền và theo dõi dân chúng trong khi ngành xuất cảng liên tục giảm sút, các công ty, xí nghiệp mất khả năng thanh toán, đóng cửa hoặc thiếu thuế. Chỉ riêng 45 công ty địa ốc trong đó có các tập đoàn như Agile, Soho China, Vanke đáng lẽ phải đóng 4.600 tỷ yuan nhưng chỉ trả được 800 tỷ, còn thiếu 3.800 tỷ hay 623 tỷ USD.

Dù đã hết sức chống chọi che chắn, tất cả những khuyết điểm của nền kinh tế Trung Quốc cuối cùng cũng phải bộc lộ ra. Trước hết và mạnh nhất là thị trường Chứng Khoán được cổ võ, nâng lên trước đây thì kể từ sau ngày 12-6-2015 xẹp xuống và liên tục mất giá làm bao nhiêu người phá sản, nhiều người tự tử. Trong thời gian 2 tuần lễ, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 - 2015 thị trường này sụt gần 30% và mất khoảng 3.800 tỷ USD. Chính quyền vội vã bơm tiền từ Ngân Hàng Trung Ương hay lấy từ quỹ hưu bổng để ngăn chặn nhưng kết quả không đạt mong muốn và tiếp tục tuột dốc. Cuối tháng 7-2015 chỉ số Composite Thượng Hải 3 lần giảm giá, có lần tới hơn 8%, hạ tuần tháng 8/2015 có 6 ngày và ngày 24-8 là Thứ Hai Đen: Composite Thượng Hải giảm 8,5%, nặng nhất trong 8 năm trước đó.

Đến đầu năm 2016 thì những chứng bệnh trầm kha của nền kinh tế Trung Quốc không còn che giấu được nữa: Hơn 70 triệu căn nhà không bán được, 50 thành phố có những khu vực là thành phố ma, ngành sản xuất thép, than dự trù sa thải 8 triệu công nhân (Rueters), hàng trăm nhà máy luyện thép, hàng ngàn mỏ than đóng cửa, ngày 15-3 nhiều ngàn công nhân than tỉnh Hắc Long Giang tràn vào các công sở đòi 6 tháng lương chưa được trả. 

Ngành công nghiệp, theo tạp chí Caixin và Market Economics chỉ số sản xuất PMI 10 tháng liền giảm dưới 50, riêng tháng 12-2015 giảm xuống mức 48,5. Xuất cảng tháng 12-2015 giảm 25,4%(so với 12/2014), nhập cảng giảm 13,8%!

Ngành Tài Chánh, nợ xấu (khó đòi) của các ngân hàng Trung Quốc lên tới 1.300 tỷ USD, đồng Nhân Dân Tệ (yuan) năm 2015 phá giá 5 lần.

Ngày 26-2-2016 Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Chu tiểu Xuân trấn an các nước G20 họp ở Thương Hải rằng trong thời gian tới Trung Quốc không phá giá đồng NDTệ, nhưng 3 ngày sau, 29-2 đồng NDTệ bị phá giá 0,17%, 6,545 NDTệ = 1 USD. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc không giữ được lời hứa vì quá quẫn bách. Nợ công + nợ tư của Trung Quốc lên tới 236% GDP, Chứng Khoán trong tháng 1-2016 có 6 ngày sụt giá. 

Người ta tháo chạy. Các đại công ty nước ngoài như Yahoo, Best Buy đóng cửa chạy trước, các hãng nhỏ chạy sau. Ba tháng đầu năm 2016 các công ty nước ngoài bán cơ sở, xí nghiệp thu khoảng 73 tỷ đô la để chạy (3 tháng đầu năm 2015 là 6,2 tỷ USD). Các đại gia Trung Quốc, các hoàng tử đỏ cũng tháo chạy ào ạt: 30% trong Hồ Sơ Panama mới bị tiết lộ là người Trung Quốc, trong đó có nhiều thân nhân của những lãnh tụ vô sản đã, hay đang tại chức.

Tờ Le Monde, Les Echos, Tỷ phú Soros... từng tiên đoán kinh tế Trung Quốc đang đi đến đoạn kết. Và ngày 14-4-2016, một trong những cơ quan có thẩm quyền nhất về kinh tế trên thế giới là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dự báo: Kinh tế Trung Quốc "sẽ không hạ cánh nhẹ nhàng" (web RFI 14/4/2016).

Lời văn thông báo giữ tính lịch sự của một cơ quan quốc tế, sự thực thì phải nói: "Kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh nặng nề".

(Còn tiếp)




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo