Suy tư về trưng cầu dân ý tại Vương Quốc Thống Nhất Anh - Dân Làm Báo

Suy tư về trưng cầu dân ý tại Vương Quốc Thống Nhất Anh

Luật Sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Vương Quốc Thống Nhất Anh (United Kingdom) (gọi tắt là Anh quốc) đã quyết định rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu trong một cuộc trưng cầu dân ý do đảng Bảo Thủ của Thủ Tướng David Cameron tổ chức vào ngày 23 tháng 6, 2016.

Đây là một biến cố quan trọng của thế giới. Tuy đang viết nửa chừng một tài liệu update về những khuyết điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ, nhân cuộc vận động tranh cử chạy đua vào tòa Bạch Ốc, hầu rút tỉa những kinh nghiệm cho Việt Nam, tôi cũng phải dành thời gian, lạm bàn về hiện tượng “Brexit” này.

Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt (1945), thế giới và nhất là các nhà lãnh đạo Tây Âu nhìn thấy sức mạnh áp đảo của Hoa Kỳ và nhiều người, trong đó có lãnh tụ, sau này là tổng thống Pháp De Gaulle, thủ tướng Đức Konrad Adenauer và nhất là thủ tướng Anh Winston Churchill. Churchill thường mơ ước đến một Hiệp Chủng Quốc Âu Châu (United States of Europe).

Trước khi tiến đến ngày thành lập Liên Hiệp Âu Châu, đã có những giai đoạn chuyển tiếp. Quan trọng nhất là Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (European Economic Community) qua Hiệp Ước La Mã (Treaty of Rome 1958). Sau đó ngày 1 tháng 11, 1993, Liên Hiệp Âu Châu được thành lập qua Hiệp Ước Maastricht. Sáu nước đầu tiên là: Pháp, Đức, Ý, Hòa Lan, Luxembourg và Bỉ.

Bây giờ tăng lên 28 nước. Vương Quốc Thống Nhất Anh rút ra thì sẽ còn 27 nước.

Yếu tính quan trọng nhất của Liên Hiệp Âu Châu là sự thống hợp kinh tế. Các hàng rào quan thuế hủy bỏ hầu hàng hóa có thể luân lưu trong liên hiệp. Tiếp theo đó thị trường lao động cũng được cởi trói. Các công dân trong liên hiệp có thể di chuyển xuyên quốc gia để tìm công ăn việc làm. Điều này có ảnh hưởng đến tình trạng di dân và cư trú của các người tỵ nạn, phần lớn từ Bắc Phi. Ngoài các chính sách cũng như các định chế chồng lên trên khái niệm chủ quyền quốc gia, Liên Hiệp Âu Châu còn có một guồng máy hành chánh đặt cơ sở tại thủ đô của Bỉ, và một cách bán chính thức là thủ đô của Liên Hiệp Âu Châu. Guồng máy hành chánh này bị cho là cồng kềnh và nhiêu khê đối với dân chúng trong Vương Quốc Thống Nhất Anh.

Sự rút lui của Anh Quốc là một đòn rất nặng, đánh vào giấc mơ một Hiệp Chủng Quốc Âu Châu của các nhà lãnh đạo Tây Âu. Anh quốc là nước với nền kinh tế lớn thứ nhì trong liên hiệp, chỉ sau Đức.

Ngoài sức mạnh kinh tế bị suy giảm, nhiều quốc gia khác trong liên hiệp không biết chừng cũng đòi hỏi rút ra. Dĩ nhiên liên hiệp có quy định một tiến trình rời khỏi liên hiệp (điều 50 của Hiệp Ước Lisbon 2007). Tuy nhiên tiến trình phải qua một gia đoạn thương thuyết, nhất là thương thuyết về các quan hệ mâu dịch, giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu với 27 quốc gia còn lại. Nếu các lãnh đạo liên hiệp quá khắt khe, đòi hỏi nhưng điều kiện bất lợi cho Anh quốc khi rút ra khỏi liên hiệp, thì sự suy yếu kinh tế của Anh quốc không lợi cho quốc gia nào, và sẽ tạo ra thù hận với một quốc gia lớn. Tuy nhiên nếu quá dễ dãi thì không biết chừng, nhiều quốc gia thành viên khác sẽ theo đòi và rút ra khỏi khối. 

Anh Quốc, nhất là thủ đô Luân Đôn, là một trong những trung tâm tài chánh lớn nhất thế giới. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý này đã làm rung chuyển tài chánh toàn thế giới. Đồng Bảng Anh mất giá thê thảm so với Mỹ Kim và nhiều kinh tế gia tiên đoán Anh Quốc sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế.

Thêm vào đó, khi ta nói đến Anh Quốc, thực sự là chúng ta nói đến một thực thể chính trị phức tạp hơn. Đó là Vương Quốc Thống Nhất Anh bao gồm 4 thực thể chính trị: Anh quốc (England), Tô Cách Lan (Scotland), Wales và Bắc Ái Nhĩ Lan (Northern Ireland). Cuộc trưng cầu dân ý này bao trùm toàn bộ Vương Quốc Thống Nhất Anh kể cả 4 thực thể nêu trên.

Chúng ta đã chứng kiến một cuộc trưng cầu dân ý tại Tô Cách Lan, các đây khoảng hơn 1 năm, vào ngày 18/9/2014 để quyết định Tô Cách Lan còn muốn là thành phần trong Vương Quốc Thống Nhất hay không. Kết quả là dân Tô Cách Lan nói tiếp tục là thành phần vương quốc thống nhất này. Phe chủ trương một nước Tô Cách Lan độc lập đã thua.

Tuy nhiên họ chưa bao giờ chịu thất bại vĩnh viễn. Khi kiểm phiếu trên toàn cõi Vương Quốc Thống Nhất Anh, trong cuộc trưng cầu dân ý có rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu hay không, thì họ nhận thấy, đa số người Tô Cách Lan (dân số 5 triệu) muốn tiếp tục là thành phần của Liên Hiệp Âu Châu.

Chính vì thế, có thể trong vài năm nữa, có thể sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý khác tại Tô Cách Lan, hầu quyết định nước Tô Cách Lan có tiếp tục là một thành phần của Vương Quốc Thống Nhất Anh hay không. Nếu không, Tô Cách Lan sẽ trở thành một quốc gia độc lập và sẽ thương thuyết để được gia nhập Liên Hiệp Âu Châu như một quốc gia độc lập mới.

Sự suy thoái của Vương Quốc Thống Nhất Anh có dừng lại ở đây hay không còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, nhất là các thành phần cấu tạo khác như Bắc Ái Nhĩ Lan và Wales.

Tuy nhiên, Thủ Tướng David Cameron đã phải trả giá về quyết định trưng cầu dân ý của mình như là một sự sai lầm phán xét (an error of judgment) tác hại đến vận mệnh quốc gia. Ông đã tuyên bố từ nhiệm, có hiệu lực vào tháng 10. Nên nhớ, trên bình diện pháp lý, chính quyền của ông không bị sự ràng buộc của cuộc trưng cầu dân ý này vì chưa có sắc luật nào của quốc hội quy định sự ràng buộc của cuộc trưng cầu dân ý này. Vương Quốc Thống Nhất Anh theo quốc hội chế và quốc hội chứ không phải nhân dân, trên nguyên tắc, là tối cao.

Dĩ nhiên, đó chỉ là lý thuyết. Trong một chế độ dân chủ, một khi toàn dân đã quyết định, trong một cuộc trưng cầu dân ý, thì không còn quyền lực nào có thể cưỡng lại.

Tôi đã có ý định không viết gì về biến cố này, vì ngoài những ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, nó không ảnh hưởng gì đến tình hình chính trị tại Việt Nam. Tuy nhiên tầm mức của biến cố quá lớn, tôi cũng nhận thấy cần phải có vài nhận xét tổng quát.

Cá nhân tôi, trên nguyên tắc, không thích những định chế chính trị to lớn và tập trung quyền lực. Tôi chủ trương tương quan giữa những định chế và con người cá thể là một tương quan có tính cứu cánh và phương tiện, trong đó con người cá thể là cứu cánh và các định chế phải là phương tiện. 

Tôi tham gia vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam không phải vì căm thù người CSVN. Họ cũng là người Việt Nam và cũng là những nạn nhân của sự vận hành lịch sử thế giới và sự vận hành lịch sử đất nước như chúng ta và những người Việt Nam khác. Tôi tham gia tích cực tiến trình dân chủ hóa và chủ trương xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chính vì đảng CSVN, cũng như các đảng CS khác, là những định chế lớn lao, tập trung quyền lực và trở thành những con quái vật, ăn tươi nuốt sống những con người cá thể.

Tôi cho rằng, một trong những biến cố bi thương nhất của nhân loại là khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa và biến các quốc gia chư hầu thành tỉnh huyện của một đế quốc (221 BC). Sau khi nhà Tần chấm dứt và Hán Cao Tổ Lưu Bang qua đời, bà Lữ Hậu nắm quyền lại tiếp tục chính sách tập quyền của nhà Tần. Biến cố cận kim nguy hiểm tương tự là khi Liên Bang Xô Viết thôn tính các quốc gia nhỏ hơn và thành lập Liên Bang Xô Viết (1922). 

Một Trung Quốc của tương lai theo mô hình liên bang, với một hiến pháp dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, với một chính quyền trung ương quyền lực giới hạn và với những tiểu bang được chia xẻ nhiều quyền lực, thay vì một chính thể cộng sản toàn trị độc tài, tập trung quyền lực tại trung ương, sẽ góp phần tích cực vào nền hòa bình của nhân loại. 

Trung Hoa, từ thời Tần Thủy Hoàng đã không còn sự sáng tạo của các giai đoạn trước như thời Đông Châu Liệt Quốc chẳng hạn. Trong khi đó, Âu Châu chia thành nhiều quốc gia, cạnh tranh và vươn lên theo đà cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 18. Liên Bang Xô Viết cũng tê liệt tương tự suốt 7 thập niên.

Tôi chủ trương phân quyền triệt để, kể cả hàng ngang (tam quyền phân lập) lẫn hàng dọc (địa phương phân quyền). Tuy có thể gây ra suy giảm kinh tế ngắn hạn, nhưng nếu sự rút lui của Vương Quốc Thống Nhất Anh, mặc dầu làm chậm lại tiến trình tập trung quyền lực của Liên Hiệp Âu Châu, nhưng giúp cho các nhà lãnh đạo đương thời suy nghĩ chính chắn hơn, thì sự rút lui này sẽ là một yếu tố tích cực cho con người cá thể tại Âu Châu về lâu về dài.

Các yếu tố độc lập pháp lý (judicial independence) bảo vệ biên thùy tránh sự lạm dụng về lao động xuyên quốc gia hay tỵ nạn (borders protection relative to interstate labour or refugees) và hành chánh nhiêu khê (big brother bureaucracy) có thể là những yếu tố làm nhân dân Vương Quốc Anh quyết định rời khỏi Liên Hiệp Anh, nhưng hậu quả của quyết định này sẽ ảnh hưởng tích cực đến nhân quyền của con người cá thể trong tương quan với những định chế chính trị và xã hội tại Âu Châu.




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo