Hồ Chí Minh và vấn đề công tội - Dân Làm Báo

Hồ Chí Minh và vấn đề công tội

Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Cho đến nay những người cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục dùng một số luận điểm lừa bịp chứng minh họ có công đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đề biện minh cho vị thế cầm quyền. Tuy nhiên diễn biến lịch sử trong những thập kỷ vừa qua đã phơi bày tội trạng của họ một cách rõ rệt không thể chối cãi.

Có hai ý nghĩa trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nếu vì độc lập dân tộc thì nó là một cuốc chiến tranh chống thực dân, còn nếu vì muốn xây dựng chế độ cộng sản thì nó là một cuộc chiến tranh chống tự do.

Vì là nhân viên thừa hành của Quốc Tế Cộng Sản (QTCS) nên Hồ Chí Minh đã chọn con đường thứ hai. Con đường thứ hai này đã được thực tiễn chứng nghiệm như là một thảm họa cho nhân loại. Đem thảm họa về cho dân tộc, Hồ Chí Minh và những người cộng sản Viết Nam đã có tội rất lớn đối với tổ quốc.

Nếu Hồ Chí Minh không phải là tay sai của QTCS thì Việt Nam đã tránh được những cảnh cốt nhục tương tàn đầy máu và nước mắt gây nên hận thù truyền kiếp giữa lòng dân tộc. 

Xin mời quý độc giả bỏ chút thời giờ đọc tiếp.

Vụ cướp chính quyền năm 1945 không phải là một cuộc cách mạng.

Cuộc đảo chính cướp chính quyền theo kiểu Bolshevik xảy ra vào tháng tám năm 1945 không phải là một cuộc cách mạng và cũng không phải là một thắng lợi của dân tộc.

Không phải là cách mạng vì cách mạng là thay cũ đổi mới với một chiều hướng tốt đẹp hơn. Không phải là thắng lợi vì Việt Minh đã phá hỏng nền độc lập do chính phủ Trần Trọng Kim mới thu hồi từ tay đế quốc Nhật Bản thất trận, để sau đó nhận chìm dân tộc vào cảnh nồi da xáo thịt kéo dài nhiều thế kỷ. 

Chính phủ Trần Trọng Kim là chính phủ dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Thủ tướng họ Trần đã thu hồi nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ ngày 8/8/1945, nghĩa là vài ngày trước khi Nhật đầu hàng đồng minh. Đối với các thế hệ về sau, sự kiện này cần được ghi nhớ để trả lại sự thật cho lịch sử.

Cuộc đảo chính của Việt Minh thật ra chỉ là sự xuất hiện của một tai họa mới: họa cộng sản. Vì là chi bộ của Quốc Tế Cộng Sản nên đảng CSVN đã tiến hành sách lược bành trướng do QTCS thiết kế và chỉ đạo chứ không phải do tài lãnh đạo của Hồ Chí Minh.

Hai cơ hội hoà bình bị Hồ Chí Minh cố ý bỏ lỡ.

Trong thời kỳ có quyền sinh sát trong tay, họ Hồ đã cố ý bỏ qua hai cơ hội khả dĩ tránh cho dân tộc những thảm cảnh chiến tranh hoàn toàn vô ích.

Cơ hội thứ nhất xảy ra vào giai đoạn kết thúc Thế Chiến II. Đúng lúc Nhật Bản sắp đầu hàng thì tại Hội Nghị Yalta tháng 2/1945 tổng thống Mỹ Roosevelt đưa ra chính sách ủy trị (trusteeship) đối với các nước Đông Dương. Phong trào giải thực như vậy là do ý muốn và sáng kiến của Hoa Kỳ chứ không phải bắt nguồn từ cuộc chiến chống Pháp theo lệnh của Liên Sô như Việt Minh vẫn tự hào. 

Những người Mỹ OSS từng giúp Việt Minh vào thời gian ấy đã có lần đề nghị bỏ cờ đỏ sao vàng nhưng bị Hồ Chí Minh từ khước. Sự kiện này xác nhận bản chất tay sai QTCS của Việt Minh nên Hoa Kỳ đã quay lưng lại với họ Hồ. Nếu Hồ đồng ý thì một Ủy Ban Ủy Trị LHQ đã tạm thời quản lý đất nước để giúp VN thành một quốc gia dân chủ và Pháp đã không thể quay lại Đông Dương. Chiến Tranh tất yếu đã không thể xảy ra. 

Cơ hội thứ hai xảy ra năm 1956. Lúc đảng Lao Động miền Bắc chuẩn bị kế hoạch tấn công miền Nam thì Đại Hội 20 đảng Cộng Sản Liên Sô họp tháng 2/1956. Trong ngày bế mạc đại hội Nikita Khruschev đọc bài diễn văn hạ bệ Stalin và đưa ra chủ trương “sống chung hòa bình”. 

Theo chủ trương nói trên, đầu năm 1957 Liên Sô đề nghị hai miền Nam Bắc Việt Nam cùng vào Liên Hiệp Quốc. Hồ Chí Minh quyết liệt phản đối. Nếu Hà Nội chấp thuận thì lúc đó hai miền đất nước đã có cơ hội thi đua phát triển trong hòa bình đế đi tới thống nhất và trong trường hợp này thì chẳng bao giờ Trung Cộng có thể đánh biên giới Bắc Việt, chiếm đoạt Hoàng Sa, đòi ải Nam Quan và bắt nhường 10.000 cây số vuông tại Biển Đông.

Kinh tế thị trường với định hướng XHCN kìm hãm sức phát triển của đất nước.

Từ ngày “đổi mới” đến nay, tuy tình hình kinh tế có đôi chút lạc quan nhưng nhìn chung dân tộc vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đói nghèo tuyệt đối. Triển vọng trước mắt để ra khỏi cơn ác mộng không có gì bảo đảm. 

Kinh tế thị trường với định hướng XHCN là trận địa cuối cùng mà những người cộng sản đang cố sức giữ vững để kéo dài vị thế cầm quyền. Chiến lược của họ là nắm chặt con bài “xí nghiệp quốc doanh” (XNQD) và giao cho loại xí nghiệp này vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Đặc tính của XNQD là làm ăn liên tục thua lỗ. Tuy nhiên nó vẫn được Nhà Nước cộng sản hà hơi tiếp sức để tồn tại. Lý do là vì nó cung cấp tiền bạc cho đảng cộng sản và cho giai cấp đặc quyền đặc lợi. 

Nhà Nước cộng sản dùng tiền thuế do nông dân và xí nghiệp tư nhân đóng góp để nuôi XNQD. Khi nhà nước không nuôi nổi thì đẩy cho ngân hàng. Ngân hàng cho vay nhưng nợ không bao giờ được hoàn trả vì là nợ của Nhà Nước. Khi nợ ứ đọng thành khoản tiền khổng lồ thì khủng hoảng kinh tế đe dọa. Thế là Nhà Nước lại đẩy XNQD sang thị trường chứng khoán. Những người chơi cổ phiếu ham phát tài, tiếp máu cho XNQD, mất trắng tay vì luật pháp không bảo vệ họ. 

Đến khi bắt buộc phải giảm bớt con số XNQD “ăn hại” thì chế độ áp dụng thủ thuật “tư hữu hóa quan chức”. Thủ thuật này làm ngơ cho quan chức Nhà Nước cấu kết với thương nhân vơ vét tài sản quốc gia. Cụ thể là cho quan chức Nhà Nước đánh giá XNQD thế nào cũng được, muốn đem tài sản quốc doanh cho ai thì cho, muốn đẩy bao nhiêu công nhân ra đường thì đẩy. Đất nước không tiến triển được mà vì thế cứ tiếp tục lụn bại Nếu tình trạng này quá kéo dài thì rõ ràng đó là một cái tội lớn đối với quốc gia. 

Cộng sản VN thường dùng mánh lới đánh đồng ngôn ngữ để gian lận. chẳng hạn như yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa hoặc con đường XHCN là con đường mà bác Hồ và nhân dân ta đã chọn. Đến đây, chúng ta thử triển khai những câu nói ngu xuẩn này xem tính cách lừa bịp của chúng lên cao tới mức độ nào. 

Con đường mà “bác Hồ” đã chọn là con đường nào?

Con đường mà ông Hồ đã chọn là con đường XHCN bạo lực. Con đường này đã được tạo dựng theo đầu óc không tưởng của Marx và Engels lúc họ còn trẻ, ở vào độ tuổi 30. Vào độ tuổi khờ dại đó Marx và Engels đã đổ tội cho tư hữu là nguyên nhân của mọi bất công xã hội và đem công bố tư tưởng đó trong bản Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản năm 1848 để phổ biến khắp thế giới. 

Chưa đến mười năm sau, trước sự phát triển vả tự điều chính nhanh chóng của chủ nghĩa tư bản hai ông đã thấy sự lầm lẫn của mình, lên tiếng xin lỗi, và từ đó im tiếng không nói thêm gì nữa. Hai ông im tiếng nhưng sự lầm lẫn của hai ông đã bị Lenin lợi dụng, biến tạo thành chủ nghĩa xã hội bạo lực tức chủ nghĩa cộng sản, và lập nên đế quốc Sô Viết. 

Lenin chết sớm, người kế vị là Stalin. Nhân danh cách mạng chủ nghĩa xã hội bạo lực tại Nga, Stalin đã thủ tiêu hàng vạn cán bộ cao cấp, giết chết hàng triệu người vô tội, đầy ải hàng chục triệu sinh linh và bỏ chết đói hàng chục triệu dân lành.

Bắt chước gương của Lenin và Stalin, ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông cũng dùng cách mạng xã hội bạo lực thủ tiêu và bỏ chết đói khoảng 60 triệu người, trong đó có một chủ tịch nước, nhiều ủy viên Bộ Chính Trị, bộ trưởng, tướng lãnh và các nhà văn hóa lớn.

Ở Việt Nam, cuộc Cải Cách Ruộng Đất và những vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Cải Tạo Nhóm Xét Lại, Cải Tạo Quân Cán Chính miền Nam, đã đẻ ra những cảnh đồng chí giết nhau, lương giáo thù hận, con tố cha, vợ tố chồng, độc quyền tư tưởng, triệt tiêu tư duy độc lập và kìm hãm khả năng sáng tạo của con người

Độc ác và giết người như vậy nhưng cuối cùng rồi đế quốc Liên Sô cũng tan vỡ, chỉ còn lại vài ba nước nhỏ chạy theo Trung Quốc. Đó là con đường mà họ Hồ đã chọn. Nói như vậy là chính xác, nhưng nếu nói đó cũng là con đường mà nhân dân ta đã chọn thì không những sai mà còn là thú nhận một tội ác đã phạm đối với tổ quốc và dân tộc.

Con đường mà nhân dân ta chọn là con đường nào?

Con đường mà nhân dân ta chọn là con đường dân chù tự do hiến định

Dân chủ có nghĩa là sự cai trị của dân. Quan niệm này đã được nói rõ từ thời Alexis De Tocqueville và vẫn phù hợp với nhận thức phổ thông trong thời đại hiện nay. Khi một quốc gia tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng có cạnh tranh ta gọi đó là dân chủ. Khi tỷ lệ dân chúng tham gia vào chính trị tăng lên ta gọi đó là đấu hiệu của gia tăng dân chủ.

Chủ nghĩa Tự Do Hiến Định (Constitutional Liberalism) là một thủ tục chú trọng đến mục tiêu của chính quyền. Thuật ngữ này dựa trên hai ý niệm bện chặt với nhau: ý niệm tự do cá nhân khởi đầu từ các triết gia Hy Lạp và ý niệm hiến định dựa vào truyền thống pháp trị khởi đầu từ thời các triết gia La Mã.

Chủ nghĩa Tự Do Hiến Định đã phát triển tại Hoa Kỳ và Tây Âu với ý nghĩa bảo vệ quyền sống, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận… của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa này nhấn mạnh vào việc kiểm soát quyền lực của mỗi ngành trong chính quyền, sự bình đẳng trước pháp luật, sự công minh của toà án và sự tách biệt giữa Nhà Nước và giáo hội. 

Chủ nghĩa này công nhận con người có những quyền tự nhiên không thể chuyển nhượng và chính quyền phải được xây dựng trên một đạo luật cơ bản nhằm hạn chế quyền lực của chính nó để bảo toàn các quyền tự nhiên đó. Đại Hiến Chương Magna Carta và Hiến Pháp Hoa Kỳ là những biểu hiện của chủ nghĩa Tự Do Hiến Định. 

Hiện nay ta thấy nét đặc trưng tạo ra sự khác biệt giữa các chính quyền Âu Châu và Bắc Mỹ với các chính quyền khác trên thế giới không phải là dân chủ mà là tự do hiến định. Tự do hiến định dẫn đến dân chủ, nhưng đân chủ thì dường như không mang lại tự do hiến định.

Các chính quyền phải được đánh giá bằng thước đo liên quan đến chủ nghĩa Tự Do Hiến Định. Chủ nghĩa này đã được Montesquieu (học giả Pháp) và Madison (tổng thống thư tư của Hoa Kỳ) diễn giải như một hệ thống phức tạp của các thiết chế “kiểm soát và cân bằng” (checks and balances) được lập nên để ngăn chặn sự tích tụ quyền lực và lạm dụng chức vụ. 

Dân chủ thiếu tự do hiến định đang mang theo nó sự sói mòn tự do, lạm dụng quyền lực, chia rẽ sắc tộc và cơ hội chiến tranh. Do đó, vấn đề lãnh đạo quốc gia trong thế kỳ 21 sẽ là vấn đề nội tại quan trọng nhất của chế độ dân chủ mà cả chính quyền lẫn quần chúng sẽ phải cùng nhau gánh vác và quan tâm. 

Nếu coi dân chủ cũng là biểu hiện của tự do thì đó là tự do chính trị, còn tự do hiến định mới chính là tự do dân sự. Một đằng tạo ra chính quyền, một đằng hạn chế và kiểm soát chính quyền. Trong công cuộc đấu tranh dân chủ, khi giới cầm quyền phải nhượng bộ thì họ sẽ nhượng bộ dân chủ vì đó là món hàng ít nguy hiểm hơn so với tự do. Cho nên nhất thiết phải đòi cho bằng được tự do hiến định tức tự do dân sự như dân tộc của các nước văn minh đang được hưởng.

*

Nếu đã thấy rõ sự khác biệt khi so sánh giữa con đường mà Hồ Chí Minh đã chọn và con đường mà toàn dân Việt đang hướng tới để nhanh chóng hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa cũng như vào nền văn minh hiện đại, thì ta mới thấy tội trạng của họ Hồ và của những người cộng sản Việt Nam nghiêm trọng đến nhường nào. 

Chúng đã tác yêu tác quái quá lâu, coi sinh mạng và nhân phẩm của đông bào rẻ như bèo, cam tâm làm đầy tớ và bán nước cho kẻ thù truyền kiếp, ngu dốt không biết phân biệt giữa nếp sống văn minh và thân phận tôi đòi. Tội phạm của chúng rất nặng và nếu chúng không thức tỉnh kịp thời để xám hối thì chúng không đáng được hưởng sự khoan hồng của dân tộc./. 

Bài Viết Đầu Năm 2017


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo