Tại Hội nghị Trung ương 5 Nguyễn Phú Trọng lại diễn tuồng “hoàn thiện” theo kiểu “Nguyễn Như Vân”! - Dân Làm Báo

Tại Hội nghị Trung ương 5 Nguyễn Phú Trọng lại diễn tuồng “hoàn thiện” theo kiểu “Nguyễn Như Vân”!

Âu Dương Thệ (Danlambao) - Hơn 6 năm trước khi nhảy lên ghế TBT cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng nuôi tham vọng lớn là có thể thay đổi được tình thế cả trong lẫn ngoài: ngăn chặn được tệ trạng tham nhũng của cán bộ cho chức quyền, đưa kinh tế phát triển bền vững và nhóm cầm đầu Bắc kinh sẽ trọng nể vì ông là người tín cẩn của họ! Nhưng nay đang bước vào nhiệm kỳ thứ hai làm TBT tình hình mọi mặt đang rối bùng. Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xác nhận, tham nhũng đang bùng nổ như đàn rươi. Ngay ông Trọng cũng thừa nhận các biện pháp chống tham nhũng chỉ như gãi ghẻ, mặc dù trong vai trò TBT và Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng-chống tham nhũng, ông đã cử bao nhiêu đoàn cao cấp đi các địa phương điều tra, bao nhiêu các buổi tự phê bình và phê bình trong Bộ chính trị, Ban bí thư kéo dài cả tuần lễ. Ông đòi thanh lọc các cán bộ tham quyền, nhưng chính ông lại là người tham quyền một cách bất chính nhất...

*

- Nguyễn Phú Trọng chỉ nêu ra hiện tượng và hậu quả nhưng không dám nhìn thẳng vào nguyên nhân thực sự
- Các giải pháp "hoàn thiện" của ông "Nguyễn Như Vân"
- Sự tại vị của Nguyễn Phú Trọng chỉ làm tình hình đất nước xấu hơn

Các quyết định chính trị như các Nghị quyết của đảng, luật pháp, các diễn văn quan trọng của người cầm đầu chế độ là những hành động chính trị quan trọng. Chính trị học là khoa học nghiên cứu về hệ thống tổ chức, điều hành của một chế độ, cũng như thế giới quan, tâm lý và thái độ của người cầm quyền. Nó đặt nền tảng trên sự đối chiếu và so sánh giữa cái mong ước với cái đang có, ước mơ và thực tế, giữa khả năng và ý đồ. Thí dụ, khi so sánh cá tính, khả năng và ước muốn của Tổng thống Trump với các giá trị xã hội và định chế của nền Dân chủ đa nguyên Hoa kì thì sẽ không ngạc nhiên, tại sao từ hơn 4 tháng làm Tổng thống ông Trump đã kí bao nhiêu sắc lệnh, quyết định và tuyên bố trong nhiều lãnh vực quan trọng, nhưng ông không thay đổi được tình thế, ngược lại số phận chính trị của ông đang như sợi chỉ treo ngàn cân. Chính vì tham vọng quá cao, nhưng khả năng chính trị rất thấp và tư cách rất tồi. Các ý đồ của ông đi ngược với các giá trị nền tảng của xã hội Hoa kì. Vì thế số phận chính trị của ông đang như người không biết bơi nhưng lại muốn lội ngược dòng.[1]

Vì vậy trong hoạt động chính trị, nếu không nghiên cứu và phân tích nghiêm túc, biết đối chiếu những gì đã diễn ra với những lời hứa hẹn của người cầm quyền, lại chỉ nghe và đọc những khẩu hiệu bùi tai thì thật là đại họa!

Tại VN từ 1945 chế độ toàn trị đã được dựng lên dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của ĐCSVN và xuyên qua những khẩu hiệu ngon ngọt và những lời thề rất lọt tai từ người sáng lập cho tới nhiều thế hệ lãnh đạo. Hơn 40 năm sau khi Liên xô sụp đổ chế độ toàn trị ở VN như trẻ thơ mất nơi nương tựa. Để cứu chế độ độc tài, những người cầm đầu khi đó đã đưa ra khẩu hiệu “đổi mới hay là chết” với những lời đường mật và hứa hẹn mới. Nhưng hơn 30 năm sau chế độ độc đảng toàn trị vẫn đè đầu nhân dân với một lô những khẩu hiệu, như Kinh tế thị trường định hướng XHCN, Pháp chế XHCN, Doanh nghiệp nhà nước là những quả đấm thép, chống tham nhũng không tránh cất cứ ai, làm bạn với tất cả các nước…

Từ 1994 Nguyễn Phú Trọng đã trở thành Ủy viên Bộ chính trị, 2006 làm Chủ tịch quốc hội và từ 2011 là Tổng bí thư TBT. Có thể nói từ khi làm TBT ông Trọng vừa là lí thuyết gia và người hành động. Ông có tư duy rất giáo điều, tin theo chủ thuyết Marx-Lenin như Kinh thánh, mặc dù chủ thuyết này đã bị thực tế phủ nhận từ hơn ¼ thế kỉ, bị tâm lý tự ti mặc cảm rất nặng nên rất sùng bái Bắc kinh! Ông đã nhiều lần biện hộ cho chủ thuyết độc đảng rất ngoan cố và phản khoa học. Ông thích tự ca tụng là người rất dân chủ, như khi Đại hội 12 kết thúc ông đã tự khen việc Đại hội bầu ông làm lại TBT là “dân chủ đến thế là cùng”.[2] Nhưng thực ra ông là người lãnh đạo cực kì độc đoán. Ông sẵn sàng đạp lên cả Điều lệ đảng, như ông đã ép Bộ chính trị, Trung ương đảng và Đại hội 12 phải để ông vào “trường hợp đặc biệt” để tái cử vào TBT mặc dù đầu 2016 đã gần 72 tuổi, tức là đã vượt qua mức tuổi cho phép theo Điều lệ đảng. Ông cũng đã chống lại Nghị quyết về sở hữu đất đai của Đại hội 11; ông còn khinh thường các chuyên viên và trí thức đóng góp thực lòng cho đất nước, kết án họ là "suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức." [3] khi họ yêu cầu bỏ Điều 4 trong Hiến pháp sửa đổi 2013 giữ đảng độc quyền tiếp tục!

Từ khi có quyền lực cao nhất ông Trọng đã nhiều lần ép các đồng liêu phải theo những lí luận sai lầm và các nguyên tắc phản dân chủ, như Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương về Quy chế bầu cử trong Đảng do Nguyễn Phú Trọng kí. Khoản 3 trong Điều 13 của Quyết định này ghi rõ: "Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị."[4] Hoặc trước Hội nghị cán bộ Toàn quốc cả ngàn cán bộ cao-trung cấp ông gọi nhóm cầm đầu Bắc kinh đang tiến hành xâm lược biển-đảo của VN là "Bạn" [5], như thế là cố tình làm tê liệt tinh thần cảnh giác của toàn đảng, toàn quân trước bọn bành trướng xâm lược phương Bắc, hoặc dùng uy quyền Chủ tích quốc hội không cho phép Quốc hội được thảo luận về tình hình căng thẳng ở biển Đông và tự ý tuyên bố chống sự thực "tình hình biển Đông không có gì mới!" [6]

Do những sai lầm từ cố tình duy trì chế độ độc đảng tới dành độc quyền và ưu đãi cho hệ thống Doanh nghiệp nhà nước, nên hiện nay đang phải đối phó trước tình hình nợ công đang như chúa chổm, ngân sách ngày càng kiệt quệ, Doanh nghiệp nhà nước làm ăn ngày càng thua lỗ [7], tiền bạc tài sản chạy vào túi tham của cán bộ, nhập siêu từ Trung quốc ngày càng ngất ngưởng đi đến lệ thuộc Bắc kinh. Từ khi Trump làm Tổng thống đã hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương (TTP); một Hiệp định mà Nguyễn Phú Trọng đã hí hửng có thể kéo dài thêm chế độ toàn trị. Không những thế Trump còn dọa ngăn chặn hàng hóa của VN xuất cảng sang Hoa kì. Yếu tố quan trọng khác là sự chống đối của nhân dân trong nhiều giới và nhiều lãnh vực ngày càng gia tăng và càng kiên quyết. Nhân dân nhiều nơi đã chấm dứt thái độ chờ đợi và hy vọng, nên đã cùng nhau thực hiện phá rào công an, phá rào chính trị, tổ chức những cuộc biểu tình bất bạo động thành công với cả ngàn, chục ngàn người tham gia tích cực, bắt giữ bọn cán bộ và công an côn đồ ở nhiều nơi ngay cả ở Đồng Tâm, Hà Nội. 

Chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo trên đe dưới búa này, nên Nguyễn Phú Trọng phải hô hoán đổi mới lần 2! Là một chiến lược gian xảo và thủ lãnh nhiều tham vọng, nên trong HNTU 5 vừa qua ông lại trổ tài qua một số mánh khóe để tạo ra cảm tưởng là, lần đổi mới thứ hai này hoàn toàn khác đổi mới lần đầu cách đây gần 31 năm!

Tại Hội nghị Trung ương (HNTU) 5 (5-10.5.17) vừa qua thái độ gian dối và phản dân chủ của Nguyễn Phú Trọng lại đạt tới cao độ mới. Từ buổi khai mạc tới ngày bế mạc ông Trọng đã chọn lựa thời điểm, nghiên cứu cách diễn tả để cố tình tạo ra một bộ mặt dân chủ hồ hởi, một không khí mới như là thời gian tới sẽ có những "hoàn thiện" và cải cách theo chiều hướng dân chủ. Ông tô vẽ và chải chuốt nó như các món hàng quí để mong bán cho các đảng viên và nhân dân! Các thủ thuật này ông đã thi thố rất thành thạo trong HNTU 5 vừa qua. Ông tìm cách chia nó ra làm ba bước. Trong bước đầu ông đóng vai một người lãnh đạo dân chủ dám nhìn nhận và phê bình thẳng thắn những thiếu sót và sai lầm của chế độ. Tới bước thứ hai, ông làm như người biết lắng nghe và tha thiết kêu gọi 200 Ủy viên trung ương (180 chính thức và 20 dự khuyết) đóng góp ý kiến và dịu dàng nói với họ là, phải căn cứ trên các Nghị quyết của Đại hội 12, Hiến pháp và Cương lĩnh chính trị của đảng khi góp ý kiến và đề nghị. Tới buổi bế mạc, cũng là bước cuối, ông hô hoán lên là, HNTU 5 đã thành công tốt đẹp. Ông còn liệt kê rất dài những giải pháp được gọi là “hoàn thiện” (vì từ “đổi mới” đã bị lờn, gây ác cảm), nhưng trước sau vẫn dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng, vẫn theo Kinh tế thị trường định hướng XHCN với hệ thống Doanh nghiệp nhà nước đóng vai quan trọng, vẫn là Pháp chế XHCN. Trong phần cuối của diễn văn bế mạc dài gần 30 phút, ông còn lên giọng như cảnh cáo những Ủy viên trung ương có ý chống ông, là phải thấy sự mất chức Ủy viên Bộ chính trị và Bí thư thành ủy Sài gòn của Đinh La Thăng là một "bài học sâu sắc" cho chính mình![8]

Nguyễn Phú Trọng chỉ nêu ra hiện tượng và hậu quả nhưng không dám nhìn thẳng vào nguyên nhân thực sự

Những vấn đề nổi cộm và đang gây nhức nhối trong xã hội và tạo bất bình gay gắt trong nhân dân, kể cả nhiều đảng viên tiến bộ, là kinh tế-xã hội đang xuống dốc thua cả Lào, Kampuchia và sự tha hóa đạo đức của cán bộ, nhất là cán bộ có chức quyền ở ngay trong Bộ chính trị và Trung ương đảng. Đó còn là hệ thống kinh tế nhà nước thất bại và là ổ tham nhũng. Trong những năm qua mặc dầu được ưu đãi và nuông chiều, nhưng thay vì là quả đấm thép cho toàn bộ kinh tế lại trở thành quả tạ, gánh nặng cho toàn thể nhân dân, và còn là chỗ nương náu, bòn rút của bọn quan đỏ có quyền. Giữa khi ấy thì kinh tế tư nhân sau 30 năm gọi là "đổi mới" vẫn không ngóc đầu lên được, thậm chí ngày càng bị trên đe dưới búa của Kinh tế nhà nước, cán bộ tham nhũng và cửa quyền. 

Trong HNTU 5 (5-10-5.17) TBT Nguyễn Phú Trọng đã nhận định và tìm cách giải quyết các bức xúc này như thế nào? Ông đã dám nhìn thẳng sự thật, nói toạc nguyên nhân của mọi nguyên nhân chưa? Những giải pháp ông nêu ra mới hay cũ, có thể chữa được căn bệnh hiểm nghèo hay không?

Nếu theo dõi rốt ráo các động thái và diễn tiến HNTU 5 sẽ nhận ra rất rõ những màn kịch của một số diễn viên chính, đặc biệt là Nguyễn Phú Trọng từ buổi khai mạc sáng 5.5 tới chiều bế mạc 10.5. Trong Video giới thiệu Nguyễn Phú Trọng đọc diễm văn khai mạc người ta để ý hình ảnh Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ chính trị và Thường trực Ban bí thư, ngồi cạnh Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân. Không những thế hình của ông Huynh còn được cố ý trình bày lâu hơn ba người kia. Dù chỉ vài dây thôi, nhưng đó là những động thái có chủ ý như tín hiệu và mệnh lệnh để báo chí và cán bộ, đảng viên biết, ai đang được Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị làm người kế vị khi điều kiện thuận tiện.[9]Đây không phải là lần đầu. Bức ảnh đầu tiên sau khi Nguyễn Phú Trọng được tái cử TBT tại Đại hội 12 (1.2016) cũng như vậy! Từ tứ trụ đang thành ngũ trụ!

Khi nói về tình hình làm ăn của lãnh vực Kinh tế nhà nước ông Trọng nhìn nhận, "doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế. Nhìn chung, hiệu quả kinh doanh và đóng góp của phần lớn doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với những dự án đầu tư hàng nghìn tỉ đồng "đắp chiếu", làm trầm trọng thêm nợ xấu ngân hàng và nợ công quốc gia, gây bức xúc trong nhân dân…" [10] Rồi ông nêu câu hỏi như người rất quan tâm và muốn tìm cho ra nguyên nhân thực sự, "vì sao những hạn chế, yếu kém nêu trên đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn." [11] Đúng lí ra, nếu là một người lãnh đạo có ý thức trách nhiệm thì ông Trọng phải trình bày thẳng sự thực, sự thất bại có nguyên nhân từ chế độ độc đảng toàn trị. Nhưng ông đã tránh né chỉ nêu lại những yếu kém trong cách tổ chức và điều hành của các Doanh nghiệp nhà nước. Nhưng đây chỉ là hiện tượng và hậu quả chứ không phải nguyên nhân!

Khi nói về Doanh nghiệp nhà nước, Nguyễn Phú Trọng còn cố tình tạo hình ảnh sai lạc khi đưa ra các con số: lúc đầu từ 12.000 Doanh nghiệp nhà nước nay chỉ còn 718 doanh nghiệp. Trong khi đó thực tình suốt mấy thập niên qua, các Doanh nghiệp nhà nước đã xắp sếp lại nhiều lần, như nhiều Doanh nghiệp nhà nước gộp lại thành các Tổng công ty hay Tập đoàn, chứ không có việc giải tán hay rút lại. Ngoài ra số Tổng công ty và Tập đoàn nhìn qua thì thấy ít, nhưng trong thực tế vẫn rất nhiều. Các Tổng công ty và Tập đoàn xây dựng theo kiểu mẹ-con, mỗi Tập đoàn hay Tổng công ty lại đẻ ra hàng trăm công ty con, có những công ty con nằm hoàn toàn ngoài các lãnh vực hoạt động của công ty mẹ. Như Tập đoàn Vinashin lúc đầu chỉ lo đóng tầu và sửa chữa tầu thủy để thực hiện mục tiêu biến VN thành một nước đóng tầu lớn mạnh của thế giới. Nhưng sau đó Tập đoàn này đã mở cả ngân hàng, công ty du lịch…. Chỉ riêng Tập đoàn Vinashin, khi xảy ra vụ thua lỗ khủng vào năm 2010, báo chí chế độ đã cho biết, "Công ty mẹ Vinashin đẻ ra tổng cộng 435 công ty con và công ty hạch toán phụ thuộc, 30 công ty liên kết và liên doanh".[12]

Khi trình bày tình hình rất xấu trong lãnh vực kinh tết tư nhân, ông Trọng đã sử dụng lối lí luận tương tự -liệt kê hiện tượng tránh không nói tới nguyên nhân-. Theo ông, "trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng về khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển". Ông cũng nhìn nhận sự thất bại của những giải pháp do đảng thực hiện trong kinh tế tư từ trước tới nay: "Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới; trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn yếu kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Khả năng liên kết với các thành phần kinh tế khác và tham gia chuỗi giá trị sản xuất trong nước, khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động thiếu ổn định, bền vững, thậm chí bị thua lỗ, giải thể, phá sản." [13]

Sau mỗi phần trình bày các khó khăn nan giải của các lãnh vực kinh tế trên, Nguyễn Phú Trọng lên giọng làm như biết lắng nghe các ý kiến trái chiều và tôn trọng thảo luận dân chủ. “Đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự hội nghị xuất phát từ thực tiễn, thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết quả, thành tích đã đạt được; đồng thời phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.” Nhưng ngay lập tức ông nhấn mạnh, phải “bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thực tế đất nước, tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng”.[14] Ông sợ hãi, nếu để cho các Ủy viên trung ương được suy nghĩ và quyết định độc lập thì sẽ như chim sổ lồng! Tức là chỉ cho phép các Ủy viên trung ương thảo luận các đề tài trên trong khuôn khổ là, phải giữ vững lập trường của các Nghị quyết của Đại hội 12. Nhưng các Nghị quyết này nói gì? Các điểm chính của các Nghị quyết về kinh tế xã hội ghi rõ: toàn bộ phải đặt dưới quyền lãnh đạo của Đảng, tuân theo Pháp trị XHCN, Kinh tế thị trường định hướng XHCN, với Kinh tế nhà nước là chủ đạo, ruộng đất là thuộc quyền công hữu, tức là của nhà nước mà quyền lực là các cán bộ có chức quyền! Đây mới chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới thảm trạng tham nhũng, tha hóa đạo đức của cán bộ và kinh tế thua xa các nước láng giềng!

Các giải pháp "hoàn thiện" của ông "Nguyễn Như Vân"

Vở tuồng được gọi là “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” Nguyễn Phú Trọng đã giành tập trung vào buổi kết thúc. Trong diễn văn bế mạc HNTU 5 chiều 10.5 Nguyễn Phú Trọng đã hô hoán lên, tuyên bố Hội nghị đã thành công và đưa ra những giải pháp "hoàn thiện", nhưng trước sau vẫn do "Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo!"

“Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.” [15]

Nhưng mô hình phát triển này có khác gì mấy chục năm trước không? 20 năm trước chính tướng Trần Độ, từng là Phó Chủ tịch quốc hội và Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa trung ương, đã ngộ ra là, chế độ toàn trị với mô hình Kinh tế thị trường định hướng XHCN như trên là cực kỳ sai lầm và lên tiếng cảnh báo. Trong thư gởi Bộ chính trị cuối 1997 đầu 98 ông nhận định:

“Mặc dầu tuyên bố mục tiêu của nước ta hiện nay là "phát triển kinh tế, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh", nhưng vẫn nhấn mạnh "kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa". Như vậy, nảy sinh một mâu thuẫn không thể giải quyết được, bởi vì cả về lý thuyết lẫn về thực tiễn, kinh tế thị trường - điều kiện tất yếu để phát triển kinh tế - không thể đi đôi với định hướng xã hội chủ nghĩa được. Cuối cùng, hoặc mặt này loại bỏ mặt kia, hoặc đẻ ra một trạng thái kinh tế hỗn loạn, không ra kinh tế thị trường, cũng không ra kinh tế xã hội chủ nghĩa….

“Theo tôi, cải cách kinh tế hiện nay đang đòi hỏi phải có cải cách chính trị một cách mạnh mẽ. Và nếu không cải cách chính trị, thì cải cách kinh tế sẽ bế tắc, đất nước vẫn nằm mãi trong chế độ Đảng trị đã lỗi thời, và vai trò lãnh đạo cũng như uy tín của Đảng sẽ bị suy yếu không cứu vãn được. Việc tập trung toàn bộ quyền lực vào tay các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đang làm cho chính Đảng bị thoái hóa, biến chất, những đảng viên nắm quyền lực trở thành một tầng lớp thống trị mới trong xã hội với những lợi ích riêng, đối lập với lợi ích nhân dân. Có thể nói rằng nhiều đảng viên có chức có quyền, đã thật sự trở thành "những tư bản mới " đầu cơ quyền lực, biến quyền lực thành của cải, và gây ra một mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, có thể đưa tới những bùng nổ xã hội"[16]

Trong diễn văn bế mạc Nguyễn Phú Trọng hùng hổ nêu ra "5 giải pháp" "hoàn thiện" làm như rất mới. Trong đó các điểm chính là kiểm tra, ngăn chặn các nhóm lợi ích đang biến các Doanh nghiệp nhà nước làm sân sau và chấm dứt tệ trạng 5C (Con cháu các cụ cả) trong các Doanh nghiệp nhà nước và cơ quan:

“Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước….”

“Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành "nhóm lợi ích", "sân sau" thao túng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp….”

"Thực hiện rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí việc làm khác trong doanh nghiệp nhà nước..."[17]

Nhưng hãy đọc lại các Nghị quyết của các Đại hội 6 từ 1986 tới Đại hội 12 2016, các giải pháp trên đều đã được nêu ra. Nhưng thực tế tình hình ngày càng xấu thêm, tồi tệ thêm. Trong các vụ tham nhũng động trời PMU 18 (2006) và Vinashin (2010) đã làm thất thoát ngân sách quốc gia hàng trăm ngàn tỉ đồng, hết các cơ quan kiểm tra của đảng, kiểm tra của các bộ, cả thanh tra chính phủ tới điều tra bao nhiêu lần, nhưng cuối cùng không thấy những sai phạm. Vì cán bộ cấp cao móc ngoặc với cán bộ cấp dưới. Thậm chí trong vụ PMU 18 chính TBT Nông Đức Mạnh khi ấy đã tìm cách bưng bít vì con rể dính lúi. Trong vụ Vinashin chính Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đã thỏa hiệp ngầm với nhau để một người lên nắm ghế TBT, người kia giữ ghế Thủ Tướng thêm 5 năm nữa!

Trong 5 "giải pháp" gọi là "hoàn thiện" Nguyễn Phú Trọng hồ hởi ca tụng thì giải pháp thứ năm là quan trọng nhất:

"Năm là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống chính trị."[18]

Ông Trọng nói tới "đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực". Những điều này lại hoàn toàn không có gì mới, nó đã nằm chính ình trên các Nghị quyết của đảng suốt mấy chục năm qua. Nhưng trong thực tế mọi người đều biết, đảng ngày càng bao biện; quyền lực của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, càng hét ra lửa….

Giải pháp thứ năm ông đề ra, giao cho một đảng tiếp tục độc quyền bao biện kinh tế, bao biện pháp luật, độc quyền báo chí trước sau vẫn là cách để đảng độc quyền đưa ra chính sách, thi hành, kiểm tra và xét xử! Đây đúng là cách suy nghĩ và làm ăn theo kiểu một người vừa làm người trọng tài vừa là cầu thủ! Như thế là "dân chủ đến thế là cùng" của Nguyễn Phú Trọng!

Mô hình này đảng đã thực hiện từ mấy thập kỷ, nó chứng tỏ đã thất bại, như Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận trong diễn văn khai mạc. Tuy vậy nay ông lại hô hoán 5 giải pháp hoàn thiện, nhưng trước sau vẫn bị cột chặt trong mô hình đảng lãnh đạo và bao biện. Đúng là giải pháp "Nguyễn Như Vân" đã được anh hề Nguyễn Phú Trọng trình diễn vở tuồng tại HNTU 5!

Ông Trọng nói là đã tốt nghiệp Tiến sĩ Chính trị học. Tại sao ông lại có thể quên được một trong những qui luật chính của quyền lực: Quyền lực càng bao biện thì độc tài càng gia tăng, tội ác càng chồng chất, tham nhũng và bất công càng bất trị! Quyền lực đã làm mù trí tuệ và lương tâm?

Vở tuồng của Nguyễn Phú Trọng hô hoán cho "5 giải pháp hoàn thiện" không dừng lại trong HNTU 5 mà còn đang được bọn đàn em tô hồng, vẽ thêm râu mày ngoài xã hội. Như Ủy viên Bộ chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng chỉ vài ngày sau HNTU 5 đã hô lớn "đối thoại trực tiếp với dân" [19], “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận” và "Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư" thông qua.[20] Trong Ban bí thư hiện nay tuy Nguyễn Phú Trọng đứng đầu nhưng Đinh Thế Huynh đang bao biện. Ông Thưởng chỉ là cái bóng của ông Huynh. Cho tới nay Đinh Thế Huynh vẫn không tin Võ Văn Thưởng nên ngoài chức Thường trực Ban bí thư ông vẫn nắm Chủ tịch Hội đồng lí luận trung ương, một lãnh vực từ nhiều năm qua thuộc thẩm quyền của Trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Nhưng họ Đinh coi giá trị "đối thoại" với nhân dân như thế nào? Tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 10.1.11 trước ngày khai mạc Đại hội 11, khi báo chí quốc tế hỏi về có Dân chủ đa nguyên ở VN không, Đinh Thế Huynh đã tuyên bố, "ở Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên, đa đảng!"[21] Võ Văn Thưởng còn trẻ mà lại chỉ thích làm người cầm cờ và thả bong bóng cho Đinh Thế Huynh, một người giáo điều và độc đoán như Nguyễn Phú Trọng thì không thể có tương lai!

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch quốc hội hồ hởi nói là kì họp này Quốc hội sẽ gia tăng thời gian chất vấn. Nhưng bà cố tình lờ đi các dự luật biểu tình và thành lập hội dân sự tiếp tục bị treo bao nhiêu năm rồi. Đây là những luật cản bản cho một xã hội dân chủ thực sự. Bên cạnh đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dọa nạt phải tăng cường bảo vệ an ninh. Các báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thi đua nhau viết nhiều bài chụp mũ, mạ lị các cuộc biểu tình của nhân dân nhiều tỉnh miền Trung tố cáo nhà cầm quyền đã không có những biện pháp hữu hiệu nên đã để cho công ty Formosa hủy hoại môi trường biển suốt hơn một năm qua dọc theo 4 tỉnh miền Trung, gây thiệt hại về sức khỏe và công ăn việc làm cho hàng triệu người! Họ đang đe dọa đưa nhiều nhiều người ra tòa, trong đó có cả một số tu sĩ. Cả trong dịp Việt-Mỹ họp thảo luận về nhân quyền, trí thức và những người trẻ hoạt động dân chủ cũng bị theo dõi, ngăn chặn. Đây là những bằng chứng cụ thể về nói và làm của Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn trái ngược nhau!

Việc cách chức Đinh La Thăng ra khỏi Bộ chính trị và Bí thư thành ủy Sài Gòn, nhưng vẫn để làm Ủy viên trung ương và còn được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban kinh tế trung ương, một lãnh vực mà ông Thăng đã có những hành động sai phạm nghiêm trọng làm tổn hại hàng ngàn tỉ đồng, bị dư luận chỉ trích. Nguyễn Phú Trọng vội vàng phân bua tại cuộc họp với đại biểu cử tri ở Hà nội 13.5: "Đây mới là xử lý theo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng, còn về hình sự thì cơ quan chức năng đang làm."[22]

Tại sao ông Trọng cố tình quên lời hứa tương tự hơn 6 năm trước. Tại phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25.4.11, khi ấy vừa trong tư cách tân TBT và đương nhiệm Chủ tịch quốc hội, chính ông đã long trọng hứa: "Những sai phạm ở Vinashin đang được tiếp tục làm rõ chứ không có chuyện xuê xoa như lo ngại của nhiều người".[23] Nhưng từ đó đến nay chẳng có ủy viên Bộ chính trị nào bị tù cả. Đây chẳng qua là lời hứa mị dân. Vì ông biết thừa rằng, vụ Vinashin thất thoát 86.000 tỉ đồng (4,5 tỉ USD) không chỉ mình Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm, mà còn nhiều Ủy viên Bộ chính trị khác, trong đó có cả Nguyễn Phú Trọng!

Sự tại vị của Nguyễn Phú Trọng chỉ làm tình hình đất nước xấu hơn

Hơn 6 năm trước khi nhảy lên ghế TBT cầm đầu chế độ toàn trị Nguyễn Phú Trọng nuôi tham vọng lớn là có thể thay đổi được tình thế cả trong lẫn ngoài: ngăn chặn được tệ trạng tham nhũng của cán bộ cho chức quyền, đưa kinh tế phát triển bền vững và nhóm cầm đầu Bắc kinh sẽ trọng nể vì ông là người tín cẩn của họ! Nhưng nay đang bước vào nhiệm kỳ thứ hai làm TBT tình hình mọi mặt đang rối bùng. Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xác nhận, tham nhũng đang bùng nổ như đàn rươi. Ngay ông Trọng cũng thừa nhận các biện pháp chống tham nhũng chỉ như gãi ghẻ, mặc dù trong vai trò TBT và Trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng-chống tham nhũng, ông đã cử bao nhiêu đoàn cao cấp đi các địa phương điều tra, bao nhiêu các buổi tự phê bình và phê bình trong Bộ chính trị, Ban bí thư kéo dài cả tuần lễ. Ông đòi thanh lọc các cán bộ tham quyền, nhưng chính ông lại là người tham quyền một cách bất chính nhất. Cụ thể nhất là, trước và trong Đại hội 12 ông đã bắt đồng liêu và cả Đại hội phải để ông là "trường hợp đặc biệt" giữ thêm một nhiệm kỳ TBT nữa! Trong khi đó kinh tế của VN đang xuống dốc, năng xuất lao động thuộc loại thấp nhất khu vực, sức cạnh tranh rất yếu, bội chi ngân sách càng gia tăng khủng khiếp vì phải nuôi cả bộ máy khổng lồ của đảng và Kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ! Chưa bao giờ có những chuyến đi thăm lẫn nhau đều đặn giữa Hà nội và Bắc kinh dưới thời Nguyễn Phú Trọng. Nhưng cũng chưa bao giờ biển đảo, tài nguyên của VN bị đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng như hiện nay. Giữa năm 2014 giàn khoan HD 981 đã ngạo nghễ đóng trong khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của VN suốt trên hai tháng. Nguyễn Phú Trọng nhiều lần năn nỉ sang Bắc kinh đàm phán nhưng Tập Cận Bình từ chối. Một năm sau Phán quyết của Tòa hòa giải Quốc tế phủ nhận thẩm quyền của Trung quốc trên các đảo họ chiếm được cũng như "đường lưỡi bò" trên biển Đông, nhưng nhóm cầm đầu toàn trị VN chưa bao giờ dám công khai bảo vệ các quyết định đúng đắn của Tòa án quốc tế này. Nhập siêu từ Trung quốc gia tăng chóng mặt từ năm này sang năm khác dẫn tới nguy cơ lệ thuộc cái đầu và bụng đói thì chỉ biết đi ăn xin và mất độc lập!

Như vậy nếu làm công việc đối chiếu và so sánh những gì ông đã làm hơn 6 năm làm TBT và những gì ông đã hứa với đảng với nhân dân thì ông Trọng -nếu bình tâm và trọng sự thực- phải nhìn nhận khác biệt như một trời một vực, như trắng với đen, ngày và đêm. Điều này chứng tỏ ông Trọng hoàn toàn không phải là người giải quyết được tình thế khó khăn, ngược lại ông Trọng mới chính là người gây thêm ra những khó khăn chồng chất và hiểm nguy cho nhân dân, đất nước và cả cho đảng!

Tại sao Nguyễn Phú Trọng đã thất bại thảm hại như thế? Muốn hiểu được nguyên nhân phải biết rõ tư duy, tâm lý và khả năng của Nguyễn Phú Trọng.

+ Điều nổi bật nhất và cũng nguy hiểm nhất là, ông Trọng chống lại giá trị tối cao của dân tộc, đó là gìn giữ chủ quyền và bảo vệ độc lập đối với phương Bắc đã có từ khi dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm. Từ khi cầm đầu đảng và chế độ ông Trọng tiếp tục giữ thái độ cúi đầu và tự ti mặc cảm nên Tập Cận Bình đã khinh thường và gia tăng bành trướng: HD 981, xây dựng các đảo chiếm của VN thành các pháo đài uy hiếp chủ quyền, độc lập của VN và đe dọa hòa bình khu vực và thế giới. Sở dĩ đất nước đang bị dẫn tới nguy cơ hiện nay là do người cầm đầu có tư duy giáo điều quá lỗi thời và lòng tư ti mặc cảm, sống vào đầu thế kỷ 21 nhưng vẫn coi Bắc kinh như thiên triều

+ Nguyễn Phú Trọng rất ngoan cố chống lại những đòi hỏi thời đại rất chính đáng của nhân dân là thiết lập một chế độ Dân chủ đa nguyên. Vì trên 70 năm sống dưới chế độ toàn trị hà khắc, mọi người đều đã từng thấy những tai hại và thảm trạng. Hàng triệu triệu người đã là nạn nhân của chủ nghĩa tôn thờ bạo lực, cải cách ruộng đất với đấu tố; miệng hô đoàn kết, hòa giải, nhưng lại dựng lên các trại cải tạo, các cuộc khủng bố; dành mọi ưu đãi cho Doanh nghiệp nhà nước khiến kinh tế tư nhân không ngóc đầu lên được, kinh tế xuống dốc, nạn đói nghèo; pháp chế XHCN đã bảo vệ cho bọn quan đỏ tham nhũng và khuyến khích cán bộ có chức quyền thi thố chủ trương „5C“ đưa vợ con và họ hàng vào bòn rút.

Ý nguyện hiện nay của đa số nhân dân là tiến tới thành lập một thể chế Dân chủ đa nguyên, kinh tế thị trường, pháp trị không thêm một cái đuôi nào hết. Nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn ngoan cố chống lại các đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Tư duy chính trị cực kỳ giáo điều của người cầm đầu chế độ đang cô lập đảng trước nhân dân và thế giới tiến bộ!

+ Nguyễn Phú Trọng rất ương ngạnh và khinh thường trí thức, chuyên viên và nhiều đảng viên tiến bộ có tiếng nói phản biện chính đáng và ôn hòa. Ông đã từng phủ nhận, chụp mũ và kết án các chuyên viên, nhân sĩ và nhiều giới đã báo động về nguy cơ của chế độ toàn trị đã khờ dại mở "hợp tác chiến lược toàn diện" với Bắc kinh, khiến độc lập và chủ quyền của VN đang bị lâm nguy; về chế độ Kinh tế thị trường định hướng XHCN giành các ưu đãi cho các tập đoàn và tổng ti nhà nước đang dẫn tới kinh tế suy đồi, tham nhũng bất trị, sự cấu kết và tung hoành của các nhóm lợi ích đang xô đẩy VN vào chủ nghĩa tư bản thân hữu của thời kỳ tư bản rừng rú. Từ Thư cảnh báo của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều chuyên viên trong vụ Bauxit Tây Nguyên 2009, tới các Kiến nghị và Thư ngỏ của hàng ngàn người tố cáo chỉ sửa đổi giả vờ Cương lĩnh chính trị 2011 và Hiến pháp 2013 đều đã bị Nguyễn Phú Trọng vứt vào sọt rác và còn hằn học, cao ngạo kết án họ là "suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức." [24]

Trong một xã hội các tầng lớp trí thức và chuyên viên không được tự do trình bày những phản biện về các vấn đề lớn của đất nước, giống như một người đi đêm không có đèn sáng hướng dẫn! Tình trạng này là từ bệnh kiêu ngạo và độc đoán, nhưng khả năng lại rất thấp của Nguyễn Phú Trọng.

+ Nay Nguyễn Phú Trọng đang giương cờ "hoàn thiện" trong đảng và trong kinh tế và mở "đối thoại" với nhân dân. Đây là những cái bánh vẽ để chuẩn bị an toàn cho Đinh Thế Huynh làm người kế vị. Người khôn chọn cái bánh thật, không ai ngu dại ăn cái bánh vẽ! Đinh Thế Huynh chỉ là một phiên bản của Nguyễn Phú Trọng. Nhiều giới biết rất rõ, cả trong đảng cũng vậy. Mưu đồ của Nguyễn Phú Trọng rất bấp bênh. Ông ta đang sa vào tình thế vô cùng lúng túng giữa cao vọng quá lớn nhưng khả năng lại thấp và tư cách quá tồi! Nhân dân nhiều giới đã rất thất vọng trước những lời hứa giả dối của ông Trọng. Những bức xúc và điểm nóng đang bùng nổ ở nhiêu nơi, nhiều lãnh vực từ ngoài xã hội tới cả trong đảng. Vì thế đang nổ ra các phong trào quyết xé rào công an bạo ngược, xé rào chính trị sai lầm. Bằng sức mạnh của nhân dân, tập hợp và đoàn kết của quần chúng, các cuộc đấu tranh ôn hòa chống lại bạo quyền, vì chính nghĩa dân chủ, quyền sống của nhân dân và độc lập, chủ quyền của đất nước đang từng bước vững chắc tiến lên! Nguyễn Phú Trọng và phe giáo điều thần phục Bắc kinh không còn tương lai!

27/5/2017


_____________________________________

Ghi chú:

[1]. Xem bài của cùng tác giả phân tích về những khó khăn Trump phải đối phó: Trump thắng cử, Nguyễn Phú Trọng ngả mạnh vào Bắc kinh và ý chí kiên trì đấu tranh thắng lợi của chúng ta http://www.diendantheky.net/2017/01/au-duong-trump-thang-cu-nguyen-phu.html
[2]. Tuổi trẻ 29.1.16
[3]. BBC 25.2.13
[4]. Toàn văn Quyết định này xem Infonet 22.12.15.
[5]. Nguyễn Phú Trọng diễn văn tại Hội nghị Cán bộ toàn quốc ngày 27.2.12, Cộng sản (CS)27.2.12
[6]. Nguyễn Phú Trọng phá biểu tại Ủy ban thường vụ Quốc hội họp kì 33. (21.8.10)
[7]. Chỉ theo các con số chính thức thì tính tới 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tổng số nợ phải trả lên đến 1,5 triệu tỷ đồng., VOV 8.5.17
[8]. Nguyễn Phú Trọng, diễn văn bế mạc HNTU 5, Tạp chí Cộng sản (TCCS) 10.5.17
[10]. Nguyễn Phú Trọng, diễn văn khai mạc HNTU 5, TCCS 5.5.17
[11]. Như trên
[12]. Nguyễn Vạn Phú, Bauxit và Vinashin, Thời báo kinh tế Sài gòn 28.10.10
[13]. Như 10
[14]. Như 10
[15]. Như 8
[16]. Trần Độ, Thư gởi Bộ chính trị cuối 97 đầu 98
[17]. Như 8
[18]. Như 8
[19]. TCCS 18.5 
[20].Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Pháp luật 18.5.17
[21]. Chính phủ10.1.11
[22]. Vietnam Express 13.5.17
[23]. VN Net 25.4.11
[24]. Như 3


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo