Không thể chậm trễ - Dân Làm Báo

Không thể chậm trễ

Kim Trí (Thanhnien)  Hai nữ sinh phổ thông, một VN, một Trung Quốc cùng tham gia chương trình Giao lưu văn hóa ở Mỹ (học 1 năm phổ thông và ở nhà cha mẹ nuôi là người Mỹ), được sắp xếp ở chung một nhà. Tất cả là ngẫu nhiên, có học sinh giao lưu văn hóa VN ở chung cùng một nhà với bạn Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc...

Nhưng ngay những ngày đầu tiên, bạn học sinh TQ, trong một lần nói chuyện với cả nhà về đất nước mình, đã "tranh thủ" giới thiệu Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ; bạn học sinh VN bị bất ngờ, chỉ biết phản ứng lại trong thế bị động rằng: "Hoàng Sa, Trường Sa là của VN"…

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Đến cuối năm học, khi có dịp thuyết trình về một đề tài lịch sử trong lớp của mình, bạn TQ đăng ký ngay đề tài về Hoàng Sa, Trường Sa. Buổi thuyết trình được thầy giáo khen về mặt chuẩn bị tư liệu. Lời khen đó trở thành đề tài trong bữa cơm tối ở nhà cha mẹ nuôi người Mỹ. Bạn VN phản ứng bằng cách... bỏ cơm.

Trên đây là câu chuyện có thật, được một học sinh VN tại Mỹ kể lại.

Chúng ta không thể chê con cái chúng ta chậm, thực tế là người lớn chúng ta chậm, hay nói đúng ra là quá chậm. 

Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề trọng đại của cả dân tộc và các thế hệ người VN, nhưng dường như chúng ta chưa có kế hoạch toàn diện một cách bài bản. Câu chuyện trên đây chỉ là một trong những điểm yếu. Nhìn lại toàn bộ chương trình lịch sử ở cả 3 cấp học, không có chương nào, bài nào nêu rõ quá trình làm chủ không thể chối cãi và quá trình khai thác Hoàng Sa, Trường Sa của ông cha ta; quá trình lấn chiếm có “lộ trình” của TQ… Hoàng Sa, Trường Sa có chăng chỉ là một vài câu chữ ở môn địa lý. Tìm hiểu thêm trên các website chính thức, không thấy có trang nào hệ thống các bằng chứng, lý lẽ của VN trong vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa một cách bài bản, mạch lạc để học sinh và người dân (không phải là các học giả) có thể lấy đó làm vũ khí lý luận, đấu tranh mọi lúc mọi nơi. 

Hàng trăm ngàn du học sinh chúng ta hiện đang học tập và làm việc ở nhiều nơi trên thế giới. Lực lượng này có thể làm cho giới trẻ quốc tế, những nhà lãnh đạo tương lai của thế giới hiểu đúng và ủng hộ chúng ta trong vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng tài liệu không đầy đủ thì kêu gọi con cái chúng ta làm thế nào để chiến thắng?

Vấn đề là làm sao để câu chuyện "Hoàng Sa, Trường Sa là của VN" không chỉ là khẩu hiệu mà đi kèm theo đó phải là những luận cứ thuyết phục ăn sâu vào máu thịt của từng người VN.

Cái trước mắt có thể làm được ngay là đưa các bài học lịch sử về Hoàng Sa, Trường Sa vào sách giáo khoa các cấp, từ tiểu học cho đến đại học; tùy theo trình độ hiểu biết của người học mà biên soạn nội dung phù hợp. Qua các website chính thức, trang bị ngay cho học sinh, nhất là du học sinh VN, những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, dịch ra nhiều thứ tiếng để du học sinh trên toàn thế giới có thể sử dụng làm tư liệu trong các bài thuyết trình, giới thiệu với bạn bè quốc tế về các bằng chứng của VN. 



http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120330/khong-the-cham-tre.aspx

*

Một vài phản hồi trên báo Thanh Niên:

Hương: Tôi là một giáo viên ở một trường trung học, nhưng giáo viên trường tôi cũng chả có mấy ai biết nhiều gì về Trường Sa, Hoàng Sa đừng nói gì đến học sinh. Ngay cả tôi cũng chẳng dám nói gì nhiều về chủ đề này, sợ rằng sẽ gặp rắc rối. Tại sao, phải có người chịu trách nhiệm về sự thiếu hiểu biết này chứ? 

Phong thuỷ: Không phải người lớn chậm, mà cái Bộ phải dạy con em chúng ta về địa lý VN là Bộ GD&ĐT không làm được việc này... Nếu 1 ngày nào đó, Trung Quốc tuyên bố: "Hà Nội - Thăng Long là đất của TQ vì nơi linh thiêng nhất là các đền chùa, Văn miếu ở đây đều ghi chữ nho - chữ TQ" . Vậy bộ Văn hoá ngay từ bây giờ phải làm gì? Để cả thế giới và mọi người dân nước ta biết: Hoàng sa và Trường sa là của VN thì bộ GD&ĐT phải làm gì? chính phủ, nhà nước và đảng CSVN phải biết làm gì?... 

Trâu Vàng:  Vấn đề dạy lịch sử của chúng ta hiện nay rất khô khan, học sinh rất bị động, chỉ học thuộc bài rồi trả bài 15 mỗi đầu giờ học. Học sinh nhàm chán, nhồi nhét câu chữ trong sách, trong khi đó những vấn đề hiện tại thì không được quan tâm. Có rất nhiều vấn đề hay và cho học sinh cái quyền tự học, tự tìm hiểu, thuyết trình để các em biết nhiều hơn và cũng để cho việc học lịch sử không còn là môn học nan giải cho học sinh. Cả môn học địa lý cũng tương tự. Mong rằng chúng ta sẽ cải cách. "Thật tình mà nói học sinh nhớ lịch sử Trung Quốc giỏi hơn qua các bộ phim truyền hình". 

Cao Luc (TPHCM): Vấn đề này nên đưa vào sách giáo khoa lịch sử. Khi còn học sinh, tôi thấy thầy cô thường lảng tránh vấn đề này... Thầy cô bảo vấn đề này mang tính chất chính trị, sợ các em bị kích động nên bỏ qua. Vì thế có rất ít học sinh biết được trận chiến 14/3/1988 hay Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm 1974, thấy trên Bản Đồ để Huyện Hoàng Sa (ĐÀ NẴNG) thôi. Mong các nhà lãnh đạo có chức trách xem xét vấn đề này để phổ biến cho học sinh... xây dựng kênh truyền thông về biển đảo. Và tôi thấy trên trang điện tử của Chính Phủ của Trung Quốc thường đăng bài về Trường Sa, Hoàng Sa nên người Trung Quốc lầm tưởng Hoàng Sa là của mình!.

Nguyễn Cảnh Phong: Một bài báo rất hay và dũng cảm. Trung Quốc họ có âm mưu xâm lược Hoàng Sa từ lâu rồi và họ đã làm, bây giờ họ lại mưu đồ xâm chiến Trường Sa và cả biển Đông qua đường lưỡi bò phi lí của họ. Thay vì phải mạnh mẽ phản đối và giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức về chủ quyền biển đảo của tổ quốc thì lâu nay chúng ta gần như không quan tâm. Chúng ta đấu tranh để giành lại Hoàng Sa nhưng chúng ta không ý thức cho thế hệ trẻ biết về lịch sử của quần đảo này thì làm sao hun đúc được lòng yêu nước, yêu biển đảo của tuổi trẻ? Bây giờ chúng ta chưa đòi được Hoàng Sa thì con cháu chúng ta đòi, nói như GS Nguyễn Quang Ngọc, nhưng với cách giáo dục về biển đảo, nhất là với Hoàng Sa như hiện nay của chúng ta thì con cháu biết được gì về quần đảo này mà đòi?

HD - Giáo viên trường THPT Nguyễn Thượng Hiền: Đáng lẽ ra ở các cấp học, nội dung của chương trình học nói chung và lịch sử nói riêng đã phải đề cập tới chủ quyền biển đảo của đất nước ta, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa là điều không thể chối cãi, căn cứ trên những bằng chứng lịch sử mấy trăm năm qua. Nhất là mấy năm gần đây, khi Trung Quốc ngang nhiên dành quyền sở hữu các đảo trên với việc "sáng tạo" ra đường “lưỡi bò” trên biển Đông, áp sát bờ biển Việt Nam một cách trắng trợn thì việc cung cấp những bằng chứng hiển nhiên qua tư liệu lịch sử để mỗi người dân Việt Nam ta, nhất là giới trẻ, ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông ta qua bao thế hệ đã hy sinh xương máu mới có được. Đến nay rõ ràng chưa đưa vào nội dung chương trình học đã là trễ. Và tôi, chắc cũng có nhiều người nữa, vô cùng xúc động và hoan nghênh nhà báo Kim Trí đề cập đến vấn đề này, đã từng là nỗi bức xúc, nỗi tự ái của cả dân tộc. Em học sinh, một đồng bào tôi ở Mỹ, cũng thể hiện tấm lòng yêu nước hồn nhiên của mình, "nổi giận và bỏ cơm" khi người bạn học Trung Quốc giành Hoàng Sa, Trường Sa là của mình. Thương em lắm! Em đã thể hiện tinh thần bất khuất của cả dân tộc Việt. Tôi nghĩ đã trở nên cấp bách, đưa ngay những bằng chứng lịch sử đầy thuyết phục và không thể chối cãi vào nội dung chương trình học các cấp, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng. 

hong: Bài viết rất hay. Đọc mà thấy thương cho con cháu chúng ta quá. Hành động bỏ cơm của cháu thật tự phát và thấy tủi thân vô cùng. Hãy lên tiếng để ngành giáo dục xem lại cách dạy lịch sử dân tộc. Nào cần đâu chúng ta phải nhồi nhét cho nhiều rồi con cháu mình chẳng biết gì cả. Chi bằng chọn lọc ra cái gì cần dạy thì dạy. Dạy ít nhưng rõ ràng và chất lượng để nắm được những điểm chính của lịch sử DÂN TỘC....


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo