Hai năm mất tín nhiệm sẽ phải từ chức - Dân Làm Báo

Hai năm mất tín nhiệm sẽ phải từ chức



Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn và kết quả bỏ phiếu được công khai... Nhưng... việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đến nay có hiệu lực đã ngót 10 năm, vậy đề án đổi mới có khả thi hơn không, hay lại chỉ quy định “cho vui” như trước?

*

Nhẫn Nam (Phapluattp) Ngày 27-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổ chức hội nghị trực tuyến với đoàn đại biểu (ĐB) QH 63 tỉnh, thành thảo luận một số nội dung trình QH tại kỳ họp thứ 3 (dự kiến khai mạc vào 21-5 tới). Trong buổi sáng, các ĐB đã tập trung thảo luận xung quanh dự thảo đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. 

Bỏ phiếu từ cấp bộ trưởng trở lên 

Một nội dung đáng chú ý của đề án là hằng năm QH sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số ĐBQH hai lần liên tiếp sẽ được xem xéttrình QH miễn nhiệm hoặc từ chức. Ủy ban TVQH được giao xây dựng quy chế quy định cụ thể đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm, trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm nay. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì và phát biểu 
tại hội nghị trực tuyến ngày 27-4. Ảnh: TTXVN 

Theo ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, việc bỏ phiếu tín nhiệm là quy định đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng do vướng nhiều về quy trình cho nên đến giờ vẫn chưa thực hiện được. “Chúng tôi đề nghị trong quy trình thực hiện phải cân nhắc kỹ phạm vi, đối tượng, ai là người trong những chức danh QH bầu và phê chuẩn được QH bỏ phiếu tín nhiệm. Vì đối tượng này rất rộng, từ cấp cao nhất cho đến ủy viên các ủy ban, hội đồng của QH. Theo tôi, chúng ta chỉ nên bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh tương đương bộ trưởng trở lên. Thời gian bỏ phiếu tín nhiệm nên từ năm thứ hai của nhiệm kỳ, năm đầu tiên không nên đánh giá vì bộ trưởng mới tiếp quản công việc cũng còn nhiều khó khăn” - bà Nga nói. 

Có số dư và chương trình hành động 

Liên quan mật thiết với vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm là việc QH bầu và phê chuẩn các chức danh hiện nay. Theo bà Nga, khi ra ứng cử ĐBQH, ứng cử viên nào cũng đều phải có chương trình hành động và các cử tri căn cứ vào chương trình hành động để đánh giá xem bản thân người đó có xứng đáng được họ bầu hay không. Thế nhưng khi QH bầu các chức danh như chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao hoặc phê chuẩn các thành viên Chính phủ thì hầu hết chỉ căn cứ vào lý lịch và cảm nhận của từng cá nhân ĐBQH mà thôi. 

“Chúng tôi đề nghị nên đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng một số chức danh điều hành quan trọng như bộ trưởng, các thành viên Chính phủ hoặc chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao trước khi được QH bầu thì phải có chương trình hành động. ĐBQH sẽ căn cứ vào đó mà có lá phiếu phê chuẩn hoặc phiếu bầu một cách chính xác hơn” - bà Nga nói và nhấn mạnh ĐBQH sẽ căn cứ vào việc người đó thực hiện chương trình hành động như thế nào để có cơ sở bỏ phiếu tín nhiệm sau này. 

Ở một góc độ khác, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nhắc lại kiến nghị bầu các chức danh như Thủ tướng, bộ trưởng cần có số dư. “Trước đây đã có lúc chúng ta bầu Thủ tướng có số dư, trong điều kiện hiện nay không có lý gì không làm như vậy” - ông Nam nói.

Chỉ thích làm luật to
Chúng ta làm luật toàn thích làm luật to, điều chỉnh nhiều vấn đề trong một đạo luật nên có nhiều vấn đề thảo luận không kỹ. Tôi cho rằng cần đổi mới tư duy làm luật trong QH. Làm thì làm luật nhỏ thôi, mỗi đạo luật chỉ điều chỉnh  một nhóm quan hệ hẹp thôi, khi thảo luận sẽ mổ xẻ kỹ được vấn đề và khi cần thì sửa rất nhanh. Nếu chúng ta không thay đổi cái này mà chúng ta vẫn cứ muốn làm luật hoành tráng thì khó mà làm được dù QH có tăng cường đổi mới.
ĐB LÊ MINH THÔNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH
Giám sát lời hứa của bộ trưởng
Cần có quy định xác định rõ trách nhiệm và các hình thức xử lý, chế tài nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức, cơ quan được giám sát nhưng không thực hiện hoặc chậm thực hiện các kết luận, kiến nghị của đoàn giám sát. Bên cạnh đó, cần xác định trách nhiệm đối với việc không trả lời hoặc chậm trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và giám sát cả lời hứa của các thành viên Chính phủ…
ĐB TRƯƠNG VĂN VỞ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Nhẫn Nam
http://phapluattp.vn/20120427112424185p0c1013/hai-nam-mat-tin-nhiem-se-phai-tu-chuc.htm

*

10 năm và một đề án đổi mới 


Tại hội nghị trực tuyến về đề án đổi mới, nâng cao hoạt động Quốc hội hôm qua (27-4), nhiều ý kiến đồng tình với việc hằng năm sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. 

Trong đó, một hoạt động được coi là đột phá sẽ là công khai kết quả bỏ phiếu, người nào không đủ phiếu tín nhiệm quá bán hai lần liên tiếp so với tổng số đại biểu Quốc hội sẽ được xem xét, trình Quốc hội miễn nhiệm hoặc từ chức. 

Được biết theo lộ trình, đề án này sẽ được Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp thứ 3 sắp tới và tại kỳ họp thứ 4 sẽ có quy chế (về đối tượng, quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm cụ thể) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng. 

Đây là bước cụ thể hóa một quyền vốn dĩ thuộc về Quốc hội: Bày tỏ thái độ về những nhân sự cấp cao đang nắm giữ trọng trách nhưng lại không đủ tín nhiệm, tức là không hoàn thành nhiệm vụ hoặc mắc khuyết điểm đến mức cử tri không còn chấp nhận. 

Tuy nhiên về vấn đề này có những ý kiến cho rằng việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đến nay có hiệu lực đã ngót 10 năm, vậy đề án đổi mới có khả thi hơn không, hay lại chỉ quy định “cho vui” như trước? 

Ví dụ ở đạo luật nói trên đã quy định rõ chỉ cần có đủ 20% tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị hoặc một ủy ban của Quốc hội đề nghị thì bất kỳ một chức danh nào do Quốc hội quyết cũng bị đưa ra bỏ phiếu. Thế nhưng thực tế 10 năm qua, quy định rất tiến bộ này chưa một lần được thực thi, dù ở nhiều kỳ họp có đại biểu A, đại biểu B đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với bộ trưởng X, Y, Z nào đó do đã để xảy ra nhiều sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. 

Chính vì thế bên cạnh đề án đổi mới này, cử tri mong rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, phân tích rõ nguyên nhân tại sao 10 năm qua một thủ tục rất đơn giản và cũng là thông lệ ở các nghị viện trên thế giới lại không thực thi được? 

Và từ căn cứ đó mới có thể đưa ra các giải pháp khả thi, chứ không khéo cử tri lại phải tiếp tục đợi nhiều năm nữa?! 

PHAN MAI



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo